iBet uBet web content aggregator. Adding the entire web to your favor.
iBet uBet web content aggregator. Adding the entire web to your favor.



Link to original content: https://vi.wikipedia.org/wiki/Blitzkrieg
Blitzkrieg – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Blitzkrieg

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hình ảnh tiêu biểu của các binh đoàn cơ động Đức Quốc Xã trong Thế chiến thứ 2, bao gồm xe tăng, bộ binh cơ giới hoá và các binh chủng hỗ trợ.

Blitzkrieg, (nghe hay được dịch là chiến tranh chớp nhoáng) là một từ tiếng Đức mô tả cách thức tiến hành chiến tranh của Quân đội Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhắm đến mục tiêu nhanh chóng bao vây tiêu diệt chủ lực đối phương bằng các mũi vận động thọc sâu của các đơn vị xe tăng - cơ giới hoá hợp thành tập trung sau khi đã phá vỡ phòng tuyến với sự hỗ trợ của không quân.

Ưu thế chủ yếu của phương thức chiến tranh này là hiệu quả gây sốc bất ngờ, khiến đối phương bị tê liệt trước khi kịp phản ứng. Ở giai đoạn mở đầu của cuộc chiến, phương thức này đã đem đến những thắng lợi dễ dàng cho Quân đội Đức Quốc xã qua các chiến dịch xâm chiếm Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Pháp. Chỉ trong giai đoạn sau, khi các hoạt động quân sự được tiến hành trên các vùng đất rộng lớn của Liên Xô, dưới thời tiết khắc nghiệt và địa hình lầy lội ở đây thì phương thức này mới cho thấy nhược điểm là các quân binh chủng hợp thành không tiến quân cùng tốc độ và do đó giảm hiệu quả chiến đấu[1].

Trên phương diện ngôn ngữ, từ Blitzkrieg được một tờ báo Anh sử dụng lần đầu vào năm 1939 sau cuộc Đức xâm chiếm Ba Lan, trước đó từ này chưa từng được dùng trong điều lệnh hay bất kỳ một tài liệu hướng dẫn tác chiến chính thức của Quân đội hay Không quân Đức Quốc xã[2]. Vì lý do đó, trên góc độ lý luận, nó bị nghi ngờ với tư cách là một học thuyết chiến tranh hay là một chiến lược tiến hành chiến tranh chặt chẽ, hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đây là một trong những từ ngữ tiếng Đức nổi tiếng nhất.[3]

Tuy nhiên, trên góc độ thực tiễn thì Blitzkrieg có một quá trình tích luỹ lý luận - kinh nghiệm lâu dài từ trước, phục vụ cho một chiến lược chiến tranh rõ ràng, các chiến dịch lặp đi lặp lại nhiều lần trên nền chiến thuật tác chiến ổn định, có tổ chức quân binh chủng tương ứng, có trang bị vũ khí phù hợp với ý đồ - và nó hội tụ đầy đủ mọi yếu tố của một học thuyết quân sự. Trong số những cội nguồn của blitzkrieg có chiến công hiển hách của vị Tuyển hầu tước Vĩ đại Friedrich Wilhelm I quét sạch quân xâm lược Thụy Điển trong "Cuộc đua xe trượt tuyết vĩ đại" vào Mùa Đông 1678 - 1679[4], cuộc chinh phạt chớp nhoáng tỉnh Silesia (nước Áo) của nhà vua - chiến binh Friedrich II Đại Đế nước Phổ vào năm 1740, hai chiến thắng lẫy lừng của ông trong các trận RoßbachLeuthen vào năm 1757,[5] và những tư tưởng chiến lược đúng đắn của hai vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Đức cuối thế kỷ 19 là Helmuth von MoltkeAlfred von Schlieffen, căn cứ vào vị trí địa lý không thuận lợi của Phổ - Đức thời đó.[6]

Nguồn gốc và lịch sử phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc điểm địa chính trị và chiến lược chiến tranh của nước Đức

[sửa | sửa mã nguồn]

Lịch sử của nước Phổ, và nước Đức sau này là biên niên sử các hành động can thiệp của các cường quốc châu Âu cố gắng kìm chế Phổ/Đức, đặc biệt từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1871. Vốn từ buổi đầu lịch sử, Phổ có nguồn tài nguyên và nhân lực hết sức yếu ớt, cho nên không thể thắng nổi một cuộc chiến lâu dài, tiêu hao[4]. Do điều kiện địa lý Đức nằm giữa đồng bằng Bắc châu Âu, giáp với Pháp ở phía Tây và giáp với Nga ở mặt Đông, nên hai cường quốc này muốn có một nước Đức yếu kém làm vùng đệm hơn là một nước Đức hùng mạnh có khả năng đe doạ biên giới của mình[7].

Đối mặt với những lợi ích địa chính trị đó của Pháp và Nga (Liên Xô sau này), Đức luôn phải chuẩn bị chiến tranh trên hai mặt trận. Tuy nhiên, nếu cả hai cường quốc này cùng tấn công thì Đức sụp đổ. Do đó, cả ba cuộc chiến 1871 (Liên minh Phổ chống Pháp), 1914 (Chiến tranh thế giới thứ nhất) và 1939 (Chiến tranh thế giới thứ hai) Đức đều tiến hành với cùng một chiến lược ra tay hạ Pháp trước[7].

Để chiến lược này thành công, Đức buộc phải hành động nhanh gọn để giải quyết xong mặt trận phía Tây với Pháp trong khi Nga (hoặc Liên Xô) chưa kịp triển khai lực lượng mở mặt trận phía Đông. Đây chính là yêu cầu cơ bản cho mọi học thuyết của Đức về chiến tranh - bao gồm phương diện chiến thuật, quy mô quân đội, tổ chức quân đội, trang bị vũ khí - từ nửa cuối thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự phát triển của lý luận chiến tranh ở Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất

[sửa | sửa mã nguồn]

Mầm mống của nền lý luận quân sự Đức, mà đỉnh điểm là Chiến tranh chớp nhoáng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể là cuộc "Cuộc đua xe trượt tuyết vĩ đại" (Schlittenfahrt) của Tuyển hầu tước vĩ đại Friedrich Wilhelm I xứ Brandenburg vào thế kỷ 17.[8] Đó là chiến dịch của ông tại Đông PhổSamogitia chống quân xâm lược Thụy Điển trong Mùa Đông năm 1678 - 1679, và đạt hiệu quả hết sức to lớn. Trên xe trượt tuyết, những chiến binh của ông đã tổ chức một cuộc tấn công cơ động vô cùng mãnh liệt, và truy đuổi quân thù. Quân Thụy Điển đại bại thảm hại. Bản thân Friedrich Wilhelm I cũng chủ trương tiến hành cuộc chiến "ngắn và dễ" (kurtz und vives), do lúc điều kiện không thuận lợi của xứ Phổ - Brandenburg khi ấy.[4]

Tiếp theo đó, nhà vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ, khi thân chinh phát binh phạt tỉnh Silesia của Áo vào năm 1740 mà không có lời cảnh báo, cuộc Chiến tranh Silesia lần thứ nhất bùng nổ và châu Âu đã được nếm mùi của cái mà hậu thế gọi là Chiến tranh chớp nhoáng.[6] Trước khi xuất binh, ông đã giữ kín được bí mật, và thực hiện mọi mưu kế ngoại giao, trong khi ba quân đang hừng hực khí thế. Ngay cả khi các Trung đoàn của ông đã lên đường hành binh rồi, ông vẫn còn nói với sứ thần Áo rằng ông sẽ không làm gì đến Nữ hoàng Áo Maria Theresia. Và trước khi rời khỏi kinh đô để cùng với ba quân tiến đánh Silesia, ông tham dự buổi lệ khiêu vũ ngay trong kinh thành Berlin. Và, khi đã đứng trước đoàn quân tinh nhuệ đang trên đường chinh phạt Silesia, ông vẫn thương thuyết, tuy nhiên Maria Theresia đã không chấp nhận các điều khoản của ông. Nhưng rồi, sau hai trận thắng lớn tại MollwitzChotusitz thì cuộc chiến đã kết thúc vào năm 1742 với đại thắng của Vương quốc Phổ.[9] Vào năm 1748, trong chuyên luận Những Nguyên lý cơ bản của Chiến tranh ("Principes généraux de la guerre"), nhà vua răn dạy các Sĩ quan Quân đội:[10]

Đó là quy luật nền tảng cho sự sống còn của một quốc gia nghèo tài nguyên và nhân lực như Phổ.[10] Các tướng lĩnh Phổ theo đó phải đánh một trận quyết định, qua đó tạo tiền đề cho "Chiến tranh chớp nhoáng" sau này, mặc dù nhà vua Friedrich II Đại Đế chưa hề dùng từ ngữ này.[6] Vào năm 1757, ông lại áp dụng kiểu chiến này khi cuộc Chiến tranh Bảy Năm bùng nổ.[11] Khi đó, người Áo liên kết với Nga và Pháp để tấn công Phổ do đó ông quyết định thân chinh khởi đại binh đánh xứ Bohemia để triệt hạ Áo. Dù ban đầu quân Phổ thắng lớn trong trận đại chiến Praha, cuộc "chiến tranh chớp nhoáng" này không thành công do quân Phổ bị quân Áo đánh bại trong trận Kolín tàn khốc (1757).[12] Nhưng rồi, sang cuối năm 1757, ông liên tiếp đại phá tan nát quân Pháp - Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh trong trận Roßbach và quân Áo trong trận Leuthen. Những chiến thắng vẻ vang này đưa tên tuổi của ông trở nên hết sức vinh quang và thể hiện một hình thức mới của "Chiến tranh chớp nhoáng". Theo đó, ông phải thực chiến chiến lược tấn công, đánh những trận đòn sấm sét, quyết định nhằm ngăn cách các cường địch của ông họp binh với nhau.[5]

Nền lý luận quân sự Phổ - Đức cũng có lẽ chịu ảnh hưởng từ chiến thắng của Hoàng đế Napoléon Bonaparte[13] trước Đế quốc Áo trong cuộc chiến tranh với Liên minh lần thứ ba năm 1805. Cuộc chiến được quyết định chóng vánh bằng một trận đánh (trận Ulm) đã cấy vào các nhà tư tưởng quân sự của Phổ sau đó - Gerhard von Scharnhorst và August Neidhardt von Gneisenau - ý tưởng của trận đánh quyết định tiêu diệt phần lớn quân lực đối phương, được thực hiện bằng các mũi tấn công nhanh chóng, bất ngờ vào sâu trong lãnh thổ đối thủ[14]. Carl von Clausewitz - nhà lý thuyết quân sự Đức ở thế kỷ 18-19, bạn và học trò của hai nhà tư tưởng trước đó - là người đặt nền móng cho lý luận chiến tranh Phổ - Đức trên cách diễn dịch "nghệ thuật quân sự của Napoléon" của von Scharnhorst và von Gneisenau. Trong tác phẩm Vom Kriege (Bàn về chiến tranh)[15], ông đưa ra các lý luận tổng quát về chiến tranh, tổ chức quân đội và cách thức tiến hành chiến tranh, sự cần thiết của việc tập trung quân lực, thực hành vận động chiến bao vây, và qua đó khuếch đại ảnh hưởng của Napoléon[14][15].

Sau đó, Bá tước Alfred von Schlieffen - Thống chế và là nhà chiến lược Đức - mới là người nối kết những tư tưởng quân sự đã xác lập với đặc điểm địa chính trị - kinh tế của nước Đức để phát triển thành một chiến lược chiến tranh. Xuất phát từ nhận thức rằng nước Đức bị bao quanh bởi các cường quốc giàu tài nguyên, ông đi đến kết luận rằng Đức không thể thắng khi tham chiến cùng lúc 2 mặt trận, cũng không thể thắng một cuộc chiến tranh kéo dài. Do đó, Đức chỉ có một lựa chọn duy nhất là lần lượt đánh bại từng đối phương - trước hết là Pháp - bằng một đòn quyết định, chớp nhoáng, mang tính huỷ diệt.

Chiến lược này của ông được cụ thể hoá trong kế hoạch Schlieffen thời chiến tranh thế giới thứ nhất với 2 mũi tấn công vào Pháp: một mũi phía Bắc qua Bỉ - Hà Lan vòng sát eo biển Manche, một mũi từ phía Đông hợp điểm bao vây ở tây Paris trong vòng 6 tuần, thời gian dự tính cần thiết để Nga tổng động viên xong và mở mặt trận phía Đông. Về mặt chiến thuật, kế hoạch này có thể được coi là sự kết hợp kinh nghiệm vận động chiến trong lịch sử chiến tranh trước đó [gc 1] vào điều kiện khách quan của Đức[16], thể hiện bằng việc tập trung tới 90% quân đội cho mặt trận, thực hành vận động bao vây bằng 2 gọng kềm trước khi tiêu diệt phần lớn quân lực địch trong một trận đánh quyết định. Trên cả hai mặt chiến lược - chiến thuật, kế hoạch này có thể coi là ý đồ tiền thân của blitzkrieg.

Nhà quân sự - chiến lược kế tục ông, danh tướng Helmuth von Moltke Lớn[gc 2], đã bước đầu triển khai ý đồ của Schlieffen thành học thuyết khi nhận thức tốc độ hành tiến chỉ có thể thực hiện thành công nhờ một cơ cấu chỉ huy phân quyền linh động. Ông đã đưa ra hệ thống tổ chức dựa trên Bewegungskrieg ("vận động chiến") và Auftragstaktik ("chiến thuật nhiệm vụ"), trong đó các cấp chỉ huy tiền phương được toàn quyền lựa chọn phương án chiến đấu cho đơn vị để đạt mục tiêu chiến thuật được giao. Đây chính là đóng góp quan trọng để được tổng kết vào học thuyết "blitzkrieg" về sau.

Những bài học tổng kết từ Chiến tranh thế giới thứ nhất

[sửa | sửa mã nguồn]
Xe bọc thép và xe máy của Anh trong trận Megiddo (1918).

Bản kế hoạch Schlieffen được tướng Helmuth von Moltke Nhỏ điều chỉnh và áp dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vì một số lý do khách quan như sự kháng cự kiên cường của Bỉ, Nga tổng động viên nhanh hơn dự tính, khiến Đức không thực hành tấn công theo đúng kế hoạch. Từ ngày 5 cho đến ngày 9 tháng 9 năm 1914, quân Đức bị chặn đứng trong trận đánh bất phân thắng bại với liên quân Anh - Pháp trên sông Marne, nên họ phải rút các đơn vị cánh phải về. Kế hoạch Schlieffen bị phá sản.[17] Họ sa vào cuộc chiến trên hai mặt trận, trong đó mặt trận phía Tây phải cầm cự trong chiến hào và cuối cùng dẫn tới thất bại.[18]

Tuy nhiên, có thể nói nguyên nhân quan trọng nhất của thất bại là tại thời điểm bắt đầu chiến tranh, quân đội Đức chưa được cơ giới hoá, cũng không có một lực lượng cơ động chiến thuật nào khác ngoài kỵ binh. Trong khi đó, với sự phát minh của súng máy từ cuối thế kỷ 19[gc 3], thì việc bố trí hoả lực chéo cánh trên chiến trường khiến bên phòng ngự dễ dàng vô hiệu hoá kỵ binh cũng như bộ binh tấn công. Ở thời kỳ sau của Thế chiến thứ 1, người Anh đã phát minh ra xe tăng dùng để che chắn cho bộ binh khỏi đạn súng máy, có thể leo qua chiến hào, đè qua hàng rào kẽm gai để phá vỡ tuyến phòng ngự của đối phương. Mặc dù những chiếc xe tăng đầu tiên này không hoàn hảo, nhưng ở vị trí bị tấn công, người Đức nhanh chóng nhìn nhận tiềm năng của chúng.

Ở tầm chiến thuật, cuối Thế chiến 1, Quân đội Đức đã thử nghiệm thành công biện pháp tấn công phòng tuyến đối phương. Theo đó, pháo và không quân sẽ hỗ trợ hoả lực để thê đội 1 gồm các toán nhỏ bộ binh xâm nhập phòng tuyến, bỏ qua các ổ phòng ngự để nhắm vào các mục tiêu mềm ở hậu cứ. Kế đó, thê đội 2 gồm các đơn vị bộ binh lớn hơn mang theo vũ khí nặng tham chiến đảm nhận việc tiêu diệt các điểm phòng ngự tiền phương. Cũng trong giai đoạn này, người Đức đã đúc rút được kinh nghiệm trong tổ chức vận động chiến - khi ở mặt trận phía Đông cả hai bên đều thực hành vận động chiến thay vì cầm cự trong chiến hào. Phân tích cho thấy với hình thức chiến tranh này, nhiều đơn vị nhỏ phối hợp hợp đồng chiến dịch có hiệu quả chiến đấu cao hơn một số ít đơn vị lớn hoạt động độc lập.

Sau thế chiến 1, những kinh nghiệm đúc rút từ thất bại kết hợp với nền tảng chiến lược - chiến thuật trước đó đã được tướng Hans von Seeckt (Han-xơ Vôn Xíc-tơ), Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đức, tổng kết lại thành một học thuyết cụ thể xuất bản năm 1921, tựa đề "Chỉ huy và tác chiến hợp thành quân binh chủng" (Command & Combat with Combined Arms)[19]. Ngoài ra, Hans von Seeckt còn có một đóng góp quan trọng nữa ở cấp độ chiến dịch - chiến thuật là nhấn mạnh vào tốc độ hành tiến hơn là tập trung quân lực mật độ cao và tiến hành bao vây[gc 4]. Ông cho rằng chỉ có tốc độ mới đem đến sự bất ngờ cho đối phương và đưa đến cơ hội chiến thuật khi đối phương không kịp quyết định hoặc quyết định sai, và việc khai thác thành công cơ hội này sẽ dẫn tới thắng lợi nhanh chóng[20]. Cả hai đóng góp của ông có thể được coi là nền móng hoàn chỉnh, chỉ còn chờ ý tưởng cơ giới hoá để blitzkrieg có hình hài.

Quá trình cơ giới hoá Blitzkrieg

[sửa | sửa mã nguồn]

Ý tưởng cơ giới hoá của H. Guderian

[sửa | sửa mã nguồn]
Sơ đồ biên chế tiêu chuẩn của một sư đoàn Panzer 1941. Trong thực tế, cấu trúc các đơn vị trực thuộc - đặc biệt là các đơn vị hoả lực hỗ trợ - thường rất linh động, tuỳ thuộc vào lực lượng, vũ khí có sẵn, hoả lực của đối phương...
Sơ đồ biên chế tiêu chuẩn của một sư đoàn Panzer-grenadier 1944. Các trung đoàn BB CGH tiêu chuẩn được trang bị xe bọc thép bán xích, tuy nhiên do thiếu xe nên hầu hết đều chỉ được trang bị xe tải.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 1, Guderian ban đầu là Sĩ quan Thông tin Cơ yếu tại Bộ Tổng tham mưu, sau đó được thuyên chuyển sang bộ phận Quân báo. Hai vị trí này giúp cho Guderian có một cái nhìn tổng quát về chiến tranh, qua đó học được những kỹ năng tư duy chiến lược lẫn chiến thuật - kỹ thuật phục vụ cho chiến lược ấy. Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong Bộ chỉ huy quân đội Đức (Truppenamt)[gc 5] và đến năm 1927, ông được phân công phụ trách nhóm nghiên cứu chiến thuật tác chiến cơ giới. Ở vị trí này, kỹ năng tư duy lẫn kinh nghiệm của ông có cơ hội phát huy để sáng tạo ra mảnh ghép cuối cùng của học thuyết Blitzkrieg: tổ chức và tác chiến của lực lượng xe tăng - cơ giới hoá.

Trong khi tìm hiểu về quá trình cơ giới hoá của các quân đội Phương Tây, ông đã đọc và dịch một số tác phẩm của Fuller, Liddell Hart và de Gaulle sang tiếng Đức. Ít nhiều dựa trên những ý tưởng đầu vào này, ông đưa ra những bài tập giả định tình huống, triển khai vào những buổi tập trận với đội hình xe tăng gỗ[gc 6] để phân tích, và cuối cùng đi đến một ý tưởng của riêng mình. Trong tác phẩm "Panzer Leader"[gc 7], ông cho rằng bản thân xe tăng không thể hoạt động độc lập (theo cách của Fuller)[gc 8], cũng không nên đóng vai trò hỗ trợ bộ binh vì tính năng cơ động sẽ bị hạn chế. Thay vào đó, ông đề xuất thành lập binh chủng thiết giáp, gọi là Panzerwaffe. Đơn vị cơ sở của Panzerwaffe là các sư đoàn cơ giới hoá hợp thành lấy xe tăng làm nòng cốt[gc 9]; các đơn vị bộ binh, pháo binh và các thành phần hỗ trợ khác của sư đoàn đều được cơ giới hoá hoặc mô tô hoá, tất cả đều phục vụ cho tác chiến của xe tăng[21]. Cơ cấu hợp thành như vậy cho phép mỗi sư đoàn thiết giáp có khả năng tác chiến độc lập, không phụ thuộc vào hỗ trợ của bộ binh và pháo binh truyền thống (không được cơ giới hoá hoặc mô tô hoá).

Tổ chức của lực lượng thiết giáp

[sửa | sửa mã nguồn]

Đề xuất của Guderian nhận được sự ủng hộ ở Bộ Tổng tham mưu Quân đội Đức, và sau đó, mỗi sư đoàn Panzer (thiết giáp) đều có biên chế tiêu chuẩn 1 trung đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo xe kéo (hoặc pháo tự hành), 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới (gồm 2 trung đoàn), các đơn vị trinh sát, công binh, thông tin, quân khí... tất cả đều được cơ giới hoá[gc 10], còn các sư đoàn Panzergrenadier (bộ binh cơ giới hoá) gồm 3 trung đoàn bộ binh cơ giới hoá (trang bị xe thiết giáp) hoặc mô tô hoá (trang bị xe tải bánh hơi), 1 tiểu đoàn xe tăng hoặc pháo tự hành chống tăng, 1 trung đoàn pháo xe kéo và các đơn vị trinh sát, kỹ thuật trực thuộc[gc 11]. Các sư đoàn hợp thành này được sử dụng như những viên gạch lắp ghép thành quân đoàn thiết giáp (Panzerkorps) hoặc tập đoàn quân thiết giáp (Panzergruppe hay Panzerarmee) đảm nhiệm vai trò của mũi tấn công cơ động cấp chiến dịch.

Nhờ kinh nghiệm ở vị trí Sĩ quan cơ yếu của mình, ông nhận thức rằng radio là phương tiện kỹ thuật thiết yếu để phối hợp tác chiến trong khi vận động. Do đó, ông yêu cầu xe tăng phải được trang bị radio[22], và chính phát kiến này của ông cho phép chỉ huy các đơn vị tăng của Đức tổ chức đội hình rất tốt trong các trận đánh.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cũng chỉ ra rằng ý tưởng của Guderian không phải là toàn bộ blitzkrieg như người ta thường nghĩ, mà chỉ là một sự bổ sung thiết yếu ở tầm mức chiến thuật cho phần học thuyết đã có trước đó[23]. Dĩ nhiên, nó cũng không hoàn chỉnh nếu bỏ qua sự phát triển lý luận về cách thức tổ chức và phối hợp tác chiến của Không quân. Mà ở khía cạnh này, Không quân Đức đã có điều kiện thử nghiệm ở cuộc nội chiến Tây Ban Nha, để về sau đó hoàn thiện cách thức phối hợp với lực lượng cơ giới hoá theo ý tưởng của Guderian[24].

Các giai đoạn của Blitzkrieg

[sửa | sửa mã nguồn]
Một đoàn xe tăng Panzer IIIbộ binh cơ giới của Đức đi qua Ukraina trên đường tấn công vào Liên Xô, tháng 6 năm 1942.
Giai đoạn thứ nhất

Máy bay ném bom tập trung tấn công một khu vực hẹp và cô lập nó ra khỏi các đơn vị quân khác. Đồng thời bộ binh sẽ mở nhiều cuộc tấn công "gây rối" quy mô nhỏ trên toàn phòng tuyến đối phương và tấn công mạnh vào một Schwerpunkt (điểm tập trung, trọng điểm) với sự tham gia của bộ binh đi kèm tăng-thiết giáp, cơ giới và pháo binh.[25]

Giai đoạn thứ hai

Sau khi tiền tuyến phòng ngự của đối phương bị phá vỡ tại Schwerpunkt. Lực lượng tấn công chính sẽ thọc sâu vào hậu phương của đối phương để mở đường cho pháo binh và bộ binh theo sâu. Đồng thời, một phần lực lượng sẽ lập các phòng tuyến để giữ chặt hai bên cánh của Schwerpunkt, không cho đối phương nối lại phòng tuyến. Máy bay ném bom khi này sẽ tập trung tấn công các khu vực chỉ huy và các điểm tập trung quân của đối phương.[25]

Giai đoạn thứ ba

Giai đoạn này bắt đầu với sự sụp đổ của phòng tuyến của đối phương. Các lực lượng bộ binh-thiết giáp sẽ đẩy mạnh tiến quân và cô lập từng cụm quân đối phương và tấn công từ hai bên cánh. Khi này lực lượng không quân sẽ mở rộng tầm hoạt động vào sâu hậu cứ của đối phương để hỗ trợ các mũi tấn công của bộ binh-thiết giáp.[25]

Các nguyên tắc chiến thuật cơ bản của blitzkrieg

[sửa | sửa mã nguồn]

Tập trung quân lực

[sửa | sửa mã nguồn]

Bố trí quân lực tập trung tại một chính diện hẹp trên chiến trường để giành ưu thế quân số cục bộ, từ đó chiếm ưu thế chiến thuật cục bộ để rồi khuếch trương ưu thế cục bộ đó thành chiến thắng là phương cách thường dùng trong lịch sử chiến tranh. Ngay ở Chiến tranh thế giới thứ nhất, một kỹ sư Anh là Frederick Lanchester (Phrê-đê-rich Lan-chextơ) đã nghiên cứu về tương quan sức mạnh của hai phía đối địch và đưa ra Định luật Lanchester, trong đó khẳng định một đội quân đông gấp 2 đối phương sẽ có sức mạnh bằng gấp bốn lần (bằng bình phương tỷ lệ quân số)[26].

Trong học thuyết blitzkrieg, việc tập trung quân lực được quy tắc hoá và mô tả bằng từ Schwerpunktprinzip, theo đó bộ binh, pháo binh, xe tăng sẽ được tập trung tối đa vào một điểm trọng tâm, gọi là Schwerpunkt nhằm đạt ưu thế áp đảo về số lượng và hoả lực cục bộ. Với sự lựa chọn điểm trọng tâm có tính toán nhằm đảm bảo yếu tố bất ngờ cũng như đảm bảo địa thế ở điểm trọng tâm phù hợp cho hoạt động của xe tăng và xe cơ giới, thì lực lượng này sẽ vừa thực hiện đột phá phòng tuyến đối phương, vừa thực hiện vận động thọc sâu dưới sự hỗ trợ của Không quân và pháo binh.[cần dẫn nguồn]

Đột phá tuyến phòng ngự

[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến thuật đột phá tuyến phòng ngự của đối phương về cơ bản là bài bản đã áp dụng ở Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất được cơ giới hoá, trong đó sử dụng một lực lượng thâm nhập vào các tuyến bên trong trước khi tấn công các vị trí phòng ngự bên ngoài. Đối diện với một phòng tuyến của đối phương gồm 3 lớp cơ bản: các tuyến phòng ngự vòng ngoài, tuyến pháo binh hỗ trợ và khu vực vận động của quân trù bị chiến thuật, thì blitzkrieg yêu cầu chia đội hình xe tăng - cơ giới hoá thành 3 thê đội lần lượt thâm nhập khu vực chiến thuật. Thê đội 1 sẽ bỏ qua các ổ đề kháng để thọc sâu tấn công lực lượng trù bị trong khi thê đội 2 tấn công tuyến pháo hỗ trợ phòng ngự. Sau khi 2 thê đội này đã thâm nhập thành công qua chiều sâu chiến thuật của phòng tuyến, thì thê đội ba mở màn tấn công trực diện các ổ đề kháng. Việc đồng bộ hoá thời gian nhằm bảo đảm hiệu quả gây tê liệt tức thời toàn bộ chiều sâu phòng tuyến, tối đa hoá hiệu quả gây sốc, bảo đảm xuyên thủng tuyến phòng ngự, sau đó thực hiện vận động thọc sâu vào hậu cứ đối phương[27].

Vận động thọc sâu

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi đã mở được cửa đột phá qua tuyến phòng ngự tiền tuyến của đối phương, nhiệm vụ của các đơn vị xe tăng - cơ giới hoá là vận động sâu, đánh chiếm các yếu điểm của đối phương trong hành tiến dưới sự bảo vệ của Không quân[gc 12]. Nhằm tối đa hoá khả năng khai thác các cơ hội chiến thuật, tăng tốc độ vận động, học thuyết đặt trọng tâm vào việc rút ngắn quy trình ra quyết định.

Nguyên tắc linh hoạt chiến thuật

[sửa | sửa mã nguồn]

Thông thường, quyết định tác chiến mỗi khi có một tình huống phát sinh thường đi qua các bước: thu thập thông tin tình huống (hoặc do Quân báo và Trinh sát cung cấp), cân nhắc giải pháp, ra quyết định, triển khai xuống cấp dưới[28]. Trong điều kiện vận động, nếu thông tin được thu thập ngay ở chiến trường và quyết định được cân nhắc ở hậu phương, thì khi quyết định triển khai xuống rất có khả năng đã lạc hậu với chiến sự đang phát triển liên tục. Vì lý do đó, học thuyết khuyến khích cấp chỉ huy chiến dịch và chiến thuật nhận nhiệm vụ dưới hình thức mục tiêu và ý định, và được toàn quyền ra quyết định tác chiến dựa trên thông tin tức thời tại chỗ [29]. Quy tắc phân quyền này cần có một quá trình chuẩn bị có chiều sâu: việc đào tạo và bổ nhiệm sĩ quan ngay từ các đơn vị nhỏ đã phải dựa trên khả năng tư duy chiến thuật, chứ không dựa trên khả năng đảm bảo kỷ luật chiến thuật[gc 13].

Hợp điểm, bao vây tiêu diệt

[sửa | sửa mã nguồn]

Mục tiêu vận động tuỳ thuộc vào từng chiến dịch, nhưng quy tắc chung là chia cắt, cô lập và làm tê liệt một phần quân lực đối phương. Để làm việc này, thông thường mỗi chiến dịch cần có hai mũi tiến công sâu theo kiểu gọng kềm để hợp điểm phía sau lưng của đối phương[gc 14].

Sau khi đã hợp điểm và bao vây một phần lực lượng địch trong túi, thì chiến dịch đi vào giai đoạn cuối cùng: bức hàng hoặc tiêu diệt đối phương đã bỏ qua trong quá trình vận động trước đó. Do học thuyết blitzkrieg lấy việc phá huỷ quân lực đối phương làm mục tiêu, nên cuộc tấn công cuối cùng thường triển khai từ nhiều hướng, trong thời gian sớm nhất có thể.

Hiệp đồng với Không quân

[sửa | sửa mã nguồn]
Máy bay ném bom bổ nhào Ju 87 "Stuka" được sử dụng trong các chiến dịch chớp nhoáng.

Không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) luôn là một thành phần quan trọng theo học thuyết blitzkrieg ở hai vai trò: hỗ trợ hoả lực tại điểm trọng tâm (Schwerpunkt) và chế áp không quân đối phương, bảo vệ cho lực lượng xe tăng - cơ giới thực hiện vận động chiến[30].

Trong Không quân Đức, các phi đội ném bom bổ nhào Ju 87 Stuka đảm nhiệm vai trò hỗ trợ mặt đất và tấn công sân bay đối phương (yểm trợ tầm gần), trong khi các phi đội tiêm kích Messerschmitt Bf 109/110 chiếm ưu thế trên bầu trời[31]. Trong thực tế chiến tranh, thắng lợi của các chiến thuật blitzkrieg đều tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát không phận của Luftwaffe. Ở giai đoạn sau của chiến tranh, khi Luftwaffe đánh mất ưu thế trên không, thì các binh đoàn xe tăng - cơ giới của Đức hoặc bị đánh chặn trong khi vận động, hoặc không dám thực hiện vận động[gc 15].

Những hạn chế chiến thuật của blitzkrieg

[sửa | sửa mã nguồn]

Do Blitzkrieg dựa vào vận động chiến nên những hạn chế của nó bộc lộ khi điều kiện thực hành vận động bị hạn chế, như địa hình và thời tiết không thuận lợi, bị không quân đối phương ngăn cản, khi đối phương thực hành chiến thuật phòng thủ phù hợp hoặc đường tiếp vận cho lực lượng xe tăng - cơ giới bị chặn đánh.

Địa hình và thời tiết không thuận lợi

[sửa | sửa mã nguồn]

Trên phương diện chiến thuật, khu vực địa hình không thuận lợi thường bị đối phương xem nhẹ phòng thủ, nên thường có giá trị bất ngờ mà khu rừng rậm Ardennes là một ví dụ cụ thể. Tuy nhiên, trong điều kiện địa hình khắt khe hơn, như tuyết mềm, bùn lầy hay trong điều kiện thời tiết quá lạnh như đã xảy ra ở trận Moskva khiến xe tăng không thể vận động sẽ dẫn tới thất bại của chiến dịch.[cần dẫn nguồn]

Một địa hình bất lợi khác của blitzkrieg là tác chiến trong đô thị. Ở đây, chướng ngại vật và nhà cửa một mặt hạn chế tính cơ động của xe tăng, buộc xe tăng phải tham chiến ở tầm gần, một mặt khác đối phương có thể lựa chọn bố trí các điểm hoả lực chống tăng trên cao, ngoài góc nâng bắn của pháo tăng khiến hoả lực của xe tăng giảm hiệu quả. Đây chính là trường hợp xảy ra ở trận Stalingrad, khi tập đoàn quân xe tăng số 4 bị cầm chân trong cuộc chiến đường phố.[cần dẫn nguồn]

Hawker Typhoon, đặc biệt khi được trang bị 8 quả rocket RP-3, đã gây ra mối đe dọa cho thiết giáp và phương tiện cơ giới của Đức trong Trận Normandy năm 1944.

Đánh mất ưu thế trên không

[sửa | sửa mã nguồn]

Vận động chiến chỉ phát huy hiệu quả khi bên tấn công vận động nhanh hơn đối thủ. Cho nên việc sử dụng không quân bảo vệ cho các mũi vận động dưới đất đồng thời truy cản không cho đối phương vận động là một nguyên tắc của blitzkrieg. Ở thời kỳ đầu của chiến tranh thế giới thứ 2, do Không quân Đức thường chiếm ưu thế trên không nên các binh đoàn Panzer được tự do vận động. Nhưng ở giai đoạn sau của chiến tranh, khi Không quân Đức đánh mất ưu thế cũng là lúc mà các sư đoàn thiết giáp Đức rất e ngại vận động. Trong chiến dịch Overlord, do lực lượng Không quân Đồng minh hoàn toàn làm chủ bầu trời, nên lực lượng thiết giáp Đức không dám vận động vào ban ngày, không tiến hành được những cuộc phản công có ý nghĩa.[cần dẫn nguồn]

Chiến thuật phòng ngự có hiệu quả

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở nửa sau của Chiến tranh thế giới thứ 2, đã có một số chiến thuật phòng ngự chống các mũi tấn công thiết giáp có hiệu quả. Chiến thuật con nhím do tướng Pháp Maxime Weygand đề xuất ở thời gian diễn ra trận chiến nước Pháp, về sau được người Đức vận dụng để chống các mũi tấn công thiết giáp của Hồng quân, là một ví dụ. Ý tưởng của chiến thuật này là bố trí các cụm cứ điểm phòng ngự đa hướng thay vì bố trí tuyến đơn hướng: dù bị bao vây vẫn có năng lực phòng ngự. Nếu quân lực của cụm phòng thủ đủ lớn để đe doạ đánh cắt đường tiếp vận thì bên tấn công không thể bỏ qua trong hành tiến. Thế nên bên tấn công hoặc phải để lại quân lực kìm chế, chấp nhận giảm sức của mũi thiết giáp, hoặc phải dành thời gian tiêu diệt, chấp nhận giảm tốc độ vận động[32].

Một chiến thuật khác là bố trí phòng ngự chiều sâu. Điểm cơ bản của chiến thuật này là tổ chức nhiều lớp phòng ngự kế tiếp, mỗi lớp kết hợp mìn và hoả lực chống tăng do một thê đội giữ tuyến và sẽ rút cuốn chiếu dần. Cách bố trí phòng ngự như vậy vừa giảm được tốc độ đột kích vừa mài mòn dần các mũi thiết giáp. Dọc tuyến phòng ngự bố trí một vài vai cứng với hoả lực chống tăng dày đặc để nắn điểm đột kích của bên tấn công vào giữa các vai, thì bên tấn công sẽ không thể đột kích quá sâu vì lo sợ bị cắt vào sau đội hình. Ở trận vòng cung Kursk, chiến thuật này của Hồng quân thành công đến nỗi các mũi tấn công của Đức bị kiệt sức khi chưa đột kích qua hết bề dày của tuyến phòng ngự[33].

Tiếp vận bị cắt đứt

[sửa | sửa mã nguồn]

Lực lượng thiết giáp cần một khối lượng tiếp vận lớn, đặc biệt là nhiên liệu. Trong khi đó, là một "con rắn đầu cứng đuôi mềm" nó để lộ điểm yếu ở đường tiếp vận nhất là khi bộ binh theo sau không kịp, để một khoảng hở lớn giữa mũi thiết giáp và lực lượng bảo đảm giao thông phía sau. Ở chiến dịch tấn công Ardennes cuối năm 1944, do không có đủ bộ binh thiết lập giao thông nên các mũi thiết giáp của Đức hoạt động hầu như tách rời với hậu phương. Đến khi quân Đồng Minh phản công và đe doạ cắt ngang qua đường tiếp vận, thì lực lượng thiết giáp phải bỏ xe tăng hết nhiên liệu lại chiến trường để rút về chiến tuyến của mình.[cần dẫn nguồn]

Các chiến dịch blitzkrieg tiêu biểu

[sửa | sửa mã nguồn]

Cho đến tận giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Quân đội Đức Quốc xã tiến hành nhiều chiến dịch theo quy tắc của blitzkrieg. Tuy nhiên, hai chiến dịch Tây Âu và Barbarossa là những chiến dịch tiêu biểu nhất.

Chiến dịch châu Âu, 1940

[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến dịch châu Âu, bao gồm cuộc tấn công Pháp và cuộc tấn công trước đó và Hà Lan và Bỉ, được thực hiện chính bởi cụm tập đoàn quân A (gồm 45 sư đoàn, có 7 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn bộ binh cơ giới hoá trong 3 quân đoàn) và B (có 29 sư đoàn, 3 sư đoàn thiết giáp và một sư đoàn bộ binh cơ giới hoá), diễn ra theo 2 giai đoạn: Chiến dịch Vàng (Fall Gelb) và Chiến dịch Đỏ (Fall Rot).

Chiến dịch Vàng mở đầu ngày 9 tháng 5 năm 1940 với cuộc tấn công nghi binh của cụm tập đoàn quân B vào Hà Lan và Bỉ, hút phần lớn quân lực Đồng Minh về phía Bắc nước Pháp. Trong khi đó, cụm tập đoàn quân A bất ngờ tiến quân qua khu rừng rậm Ardennes, nơi mà các tướng lĩnh Pháp cho là không thuận lợi cho hoạt động của xe tăng nên bố trí phòng ngự mỏng. Có sự hỗ trợ hoả lực mạnh mẽ của Không quân, cụm tập đoàn quân A nhanh chóng đột phá phòng tuyến Pháp ở Sedan[34]. Tiếp đó, ngay khi vượt sông Meuse ở ngay ngày thứ tư của chiến dịch, lực lượng thiết giáp của cụm triển khai chạy đua về hướng eo biển Manche ở Abbeville, cắt ngang qua bố trí quân lực của Đồng Minh, và đến ngày thứ 10 của chiến dịch đã đẩy các đơn vị Đồng Minh ở Bắc Pháp vào túi Dunkirk. Chỉ nhờ có lệnh tạm ngưng tấn công của Hitler mà 33 vạn quân Đồng Minh kịp sơ tán bằng tàu[35].

Trong chiến dịch này, mặc dù quân Đồng Minh có gần gấp đôi số xe tăng (4.000 so với 2.200 của Đức[36]), nhưng do biên chế tản mác trong các đơn vị bộ binh, nên không thực hiện được một hoạt động phản công nào có ý nghĩa. Cộng thêm yếu tố bất ngờ, dẫn tới sự tê liệt mang tính hệ thống. Vì thế khi chiến dịch Đỏ triển khai với 3 mũi tấn công bằng thiết giáp: về Brest (quân đoàn XV Panzer), hướng Lyon qua Đông Paris (quân đoàn XIV Panzer), hướng vòng ngược dọc theo lưng chiến tuyến Maginot (quân đoàn XIX Panzer), thì quân đội và nước Pháp nhanh chóng sụp đổ, buộc phải ký văn kiện đầu hàng vào ngày 22/6/1940, chỉ trong vòng 6 tuần từ ngày bắt đầu chiến dịch.

Chiến dịch Barbarossa, 1941

[sửa | sửa mã nguồn]

Sáng ngày 22/6/1941, Không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) tấn công các sân bay và các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Liên Xô. Trong vòng vài giờ sau đó, hơn 3 triệu quân Đức dẫn đầu bởi các sư đoàn thiết giáp ồ ạt vượt biên giới, bắt đầu chiến dịch blitzkrieg lớn nhất trong lịch sử nhắm vào mục tiêu đánh bại Hồng quân và xoá sổ Liên bang Xô viết trong vòng vài tháng[gc 16].

Theo kế hoạch, chiến dịch được tiến hành bởi 3 mũi. Mũi thứ nhất của Cụm tập đoàn quân Bắc gồm 26 sư đoàn, trong đó có 3 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn cơ giới hóa, tấn công qua các nước Cộng hòa vùng Baltic vào Bắc Nga, hướng tới Leningrad. Mũi thứ hai của Cụm tập đoàn quân Trung tâm gồm 49 sư đoàn, trong đó có 9 sư đoàn thiết giáp và 6 sư đoàn cơ giới hóa, tấn công Smolensk sau đó qua Belarus tới Moskva. Mũi thứ ba của Cụm tập đoàn quân Nam gồm 41 sư đoàn, trong đó có 5 sư đoàn thiết giáp và 4 sư đoàn bộ binh cơ giới hóa, tấn công vào vùng đông dân trù phú Ukraina, chiếm Kiev sau đó triển khai xuống phía Nam, tới sông Volga và vùng dầu hỏa Caucasus.

Ở giai đoạn đầu của chiến dịch, Hồng quân hoàn toàn bị bất ngờ và không kịp phản ứng. Chỉ trong 3 ngày đầu, gần 4.000 máy bay bị phá hủy ngay trên sân bay[37], các đồn biên phòng nhanh chóng bị tràn ngập. Ở phía Bắc, tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Đức xuyên qua giữa 2 quân đoàn Hồng quân, sau đó bao vây và tiêu diệt 2 quân đoàn này. Ở mặt trận trung tâm, tập đoàn quân thiết giáp số 2 vượt sông Tây Bug ở phía Nam, tập đoàn quân thiết giáp số 2 đột phá qua khe giữa 2 phương diện quân Hồng quân ở sông Neman, vận động thành 2 gọng kềm thọc sâu hợp điểm tại Minsk, khiến 32 sư đoàn Hồng quân bị bao vây trong túi và sau đó bị tiêu diệt.

Ở giai đoạn hai, trên mặt trận trung tâm, tập đoàn quân thiết giáp số 2 của Đức vượt sông Dniepr vận động bao vây Smolensk từ phía Nam, tập đoàn quân thiết giáp số 3 tiến công Smolensk từ phía Bắc. Sau khi hợp điểm thành công, 2 gọng kềm phong tỏa 3 tập đoàn quân Hồng quân trong túi, bắt sống 18 vạn tù binh. Chiếm xong Smolensk, tập đoàn quân thiết giáp số 2 được lệnh quay về phía Nam[gc 17], phối hợp với cụm tập đoàn quân Nam đánh về phía Bắc thành 2 gọng kềm bao vây Kiep, tiêu diệt và bức hàng 43 sư đoàn Hồng quân với tổng số 60 vạn người cùng với nhiều vũ khí nặng.

Bước vào giai đoạn 3, các tập đoàn quân đoàn thiết giáp Đức lặp lại bài bản tấn công bằng 2 gọng kềm thắng lợi thêm một lần nữa ở Vyazma, bao vây 4 tập đoàn quân Hồng quân trong túi, bắt sống gần 70 vạn người, nâng tổng số Hồng quân bị tiêu diệt hoặc bắt sống lên xấp xỉ 3 triệu. Nhưng đây cũng là dấu chấm hết cho những thắng lợi của blitzkrieg ở Liên Xô khi sau đó Hồng quân phản công thành công ở trận Moskva, biến mặt trận phía Đông thành một cuộc chiến tranh tiêu hao tổng lực.

Học thuyết quân sự của Đức Quốc xã so với đương thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Với những nền tảng lý luận chiến thuật - chiến lược đã được đúc kết từ lịch sử trước đó ở Đức, từ những năm 1920 trở đi, học thuyết blitzkrieg của Đức dần thành hình và triển khai vào tổ chức quân đội. Tiến trình chủ yếu để góp phần hoàn chỉnh học thuyết là xác định vai trò của xe tăng - bộ binh cơ giới hoá trong tương quan với vai trò truyền thống của bộ binh - kỵ binh cùng với cách thức tổ chức lực lượng này và phương pháp tác chiến của chúng. Đây là điểm cốt yếu dẫn tới tranh luận về sự vay mượn và ảnh hưởng qua lại giữa blitzkrieg và các lý luận chiến tranh đương thời.

Lý luận chiến tranh và tổ chức quân đội của Phương Tây

[sửa | sửa mã nguồn]

Với Thế chiến thứ 1 kết thúc thắng lợi bằng chiến thuật phòng ngự trong chiến hào, giới lãnh đạo quân sự Phương Tây lại tiếp tục đặt trọng tâm vào bộ binh. Với quan điểm đó, việc nghiên cứu các giải pháp phòng ngự chiến thuật mới cho bộ binh[gc 18] được chú trọng mà việc cơ giới hoá bộ binh lại bị xem nhẹ. Đến khi những nghiên cứu về xe tăng đạt được những tiến bộ lớn và bắt đầu được sản xuất trang bị cho quân đội, thì xe tăng được tổ chức thành các lữ đoàn thuần tăng. Vai trò của các lữ đoàn này hoặc là hỗ trợ hoả lực cho bộ binh, hoặc cơ động chiến thuật thay thế kỵ binh trước đó - dẫn đến khả năng tác chiến độc lập bị hạn chế[gc 19].

Một vài nhà lý luận quân sự như J.F.C. Fuller, B.H. Liddell Hart ở Anh có quan điểm khác về vai trò của lực lượng cơ giới hoá trong điều kiện mới. Fuller là một sĩ quan trong lực lượng xe tăng mới lập ở Anh, ông đề xuất tách xe tăng ra thành một binh chủng riêng, thậm chí vạch ra cả kế hoạch tấn công chỉ bằng lực lượng xe tăng tập trung[38]. Trong khi đó, với xuất thân là sĩ quan bộ binh, nhưng với nhãn quan của một nhà chiến thuật, Liddell Hart phân tích các trận đánh trong Thế chiến 1 để rút ra rằng những cuộc tấn công trực diện vào các điểm hay tuyến phòng ngự đối phương đều có hiệu quả thấp, và tấn công gián tiếp, vu hồi bọc hậu là chiến thuật tối ưu. Để thực hiện được chiến thuật tấn công gián tiếp, cần phải cơ giới hoá bộ binh[39]. Quan điểm của hai ông, mặc dù có một vài ủng hộ nhất định, nhưng không được Quân đội Hoàng Gia Anh thừa nhận rộng rãi để triển khai.

Pháp, Charles de Gaulle (Sác-lơ đờ Gôn) xuất phát từ góc nhìn khác. Ông chỉ ra rằng phân bố dân số nước Pháp theo độ tuổi không cho phép duy trì một lực lượng bộ binh đông đúc như trước, cho nên cần cơ giới hoá bộ binh, trang bị xe tăng, máy bay, lấy khả năng cơ động và hỏa lực bù cho số lượng. Tuy nhiên, cũng như ở Anh, quan điểm của ông không được giới lãnh đạo quân đội Pháp chấp nhận[40].

Trong khi đó, những quan điểm này lại được chính nước Đức cân nhắc, nghiên cứu và lựa chọn áp dụng vào học thuyết của mình.

Lý luận chiến tranh và tổ chức quân đội của Liên Xô

[sửa | sửa mã nguồn]

Khác với các nước Phương Tây trải qua chiến tranh phòng ngự ở Thế chiến 1, Liên Xô có bề dày kinh nghiệm về vận động chiến ở cùng thời kỳ cũng như cuộc nội chiến trong thời gian kế tiếp. Một mặt khác, các nhà lý luận quân sự Liên Xô nhận định rằng chiến tranh tương lai là sân khấu cho hình thức vận động chiến được cơ giới hoá. Đây là hai lý do chính dẫn đến việc các lãnh đạo Hồng quân phát triển một học thuyết quân sự, Tác chiến chiều sâu (Deep Battle), một học thuyết hiện đại so với đương thời, đã được hoàn chỉnh tới mức đã được triển khai thành Điều lệ tác chiến vào năm 1936.

Với lập luận rằng trên lãnh thổ rộng lớn của mình, chiến tranh không thể kết thúc bằng một số ít trận đánh quyết định, nên học thuyết đưa ra khái niệm "nghệ thuật chiến dịch" như là một cấp độ ở giữa chiến thuật và chiến lược[41], tức cách thiết kế, tổ chức các chiến dịch nối tiếp nhau liền lạc hợp lý được nối kết trong một mục tiêu thống nhất. Ở cấp độ chiến thuật, học thuyết đưa ra cách thức tấn công suốt chiều sâu phòng tuyết đối phương bằng các loại hoả lực để thê đội 1 mở cửa đột phá trước khi thê đội 2 - là lực lượng cơ giới hoá vận động thọc sâu[42]. Với quan điểm 2 thê đội này, học thuyết đưa đến việc vừa thành lập các đơn vị xe tăng - cơ giới hoá hợp thành tập trung có khả năng tác chiến cơ động độc lập[gc 20], vừa biên chế cơ hữu xe tăng vào các Tập đoàn quân hợp thành.

Tác giả chính của học thuyết này được cho là Nguyên soái Liên Xô M.N. Tukhachevsky, Tổng Tham mưu trưởng Hồng quân giai đoạn 1925-1928, Phó Dân uỷ Quốc phòng 1931-1937. Tuy nhiên, trong cuộc thanh trừng của Stalin vào năm 1937, Tukhachevsky cùng với các đồng sự cùng đóng góp vào học thuyết cùng với một thế hệ chỉ huy hiểu rõ học thuyết hoặc bị thủ tiêu, hoặc bị cải tạo ở các trại Gulag[gc 21]Siberia[43]. Vì thế, ở thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh giữ nước, Hồng quân Liên Xô về cơ bản là một đội quân không có bài bản tác chiến rõ ràng, sức mạnh chỉ tính bằng số quân và vũ khí khi không có đội ngũ chỉ huy có đủ năng lực. Chỉ đến sau những thất bại ban đầu ở Chiến tranh Thế giới thứ 2, Hồng quân mới được tổ chức lại và tác chiến theo những nguyên tắc đã được xác lập trong học thuyết.

Sự thất bại về mặt chiến lược của blitzkrieg ở mặt trận phía Đông

[sửa | sửa mã nguồn]

Blitzkrieg ra đời như một giải pháp cho chiến lược chiến tranh của nước Đức: chóng vánh giải quyết từng đối thủ để tránh tham chiến cùng lúc hai mặt trận đồng thời tránh bị sa lầy vào chiến tranh tiêu hao. Tuy nhiên, ở Chiến tranh thế giới thứ 2, Blitzkrieg đã không giải được cả hai vấn đề đó.

Thứ nhất, mặc dù xâm chiếm thành công phần lớn châu Âu, nhưng Đức đã bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt lực lượng viễn chinh Anh (British Expeditionary Force) ở Dunkirk, cũng như Không quân Đức không thắng được Không quân Hoàng gia Anhtrận chiến nước Anh. Việc không giải quyết xong nước Anh trước khi mở chiến dịch tấn công Liên Xô là một rủi ro mang tính chiến lược: nguy cơ cùng lúc đối mặt với hai đối thủ không bị loại trừ[44].

Thứ hai, Đức không xác định mục tiêu chiến lược - chiến dịch hợp lý trong cuộc tấn công Liên Xô. Ví dụ, trong quá trình phát triển của chiến dịch Barbarossa, sau khi chiếm xong Smolensk, lẽ ra cụm tập đoàn quân trung tâm cần được tăng cường để nhắm tới mục tiêu Moskva đang để ngỏ, thì lại bị làm suy yếu khi lực lượng thiết giáp của cụm được điều xuống mục tiêu Kiev ở phía Nam. Cho nên, khi tập trung được quân lực để mở màn chiến dịch tấn công Moskva, thì Hồng quân cũng đã kịp tập trung phòng thủ Moskva. Sự kiện sau đó, Hồng quân phản công thắng lợi ở trận đánh này có một ý nghĩa to lớn: Đức buộc phải tham gia một cuộc chiến tranh tiêu hao tổng lực, và khi đã sa lầy vào chiến tranh tiêu hao này, Đức hoàn toàn không có cơ hội trước tiềm lực khổng lồ của Liên Xô[gc 22].

Cả hai điểm trên có thể coi là thất bại về mặt chiến lược của blitzkrieg: chúng vi phạm tiền đề chiến thắng, dẫn đến sự thất bại hầu như chắc chắn của nước Đức.

Giá trị của blitzkrieg với các học thuyết quân sự hiện đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Trên 2 phương diện tổ chức quân đội và chiến thuật tác chiến, blitzkrieg là một cột mốc lịch sử xác lập 2 xu hướng chắc chắn trong học thuyết quân sự hiện đại của quân đội các nước lớn: xu hướng hợp thành vũ khí và cơ giới hoá.

Ở Liên Xô, sau Thế chiến thứ 2 việc cơ giới hoá tiếp tục được đẩy mạnh, với 65 sư đoàn tăng - cơ giới và mô tô hoá trên tổng số 175 sư đoàn. Xe thiết giáp chở quân bánh hơi BTR-152 và bánh xích BTR-50 ra đời, nâng chất lượng cơ giới hoá lên một bước mới. Đến năm 1953, thì học thuyết của Quân đội Xô viết có sự thay đổi lớn khi lực lượng chiến lược nắm vai trò chủ yếu: quân đội chỉ để chiếm đất và khai thác cơ hội sau khi bom nguyên tử đã được sử dụng. Vì thế, cấu trúc quân đội chuyển qua hầu hết là xe tăng và thiết giáp nặng, có khả năng sống sót cao sau đòn đánh trả hạt nhân. Ở thời kỳ này, việc hợp thành vũ khí bị bỏ quên. Cho đến cuối thập kỷ 60, để cân bằng với học thuyết quân sự Phản ứng linh hoạt của Mỹ - vốn nhằm đối phó với nhiều cấp độ xung đột - thì Quân đội Xô Viết mới quay lại với xu hướng hợp thành vũ khí truyền thống của mình[45]. Cho đến giữa thập kỷ 1970, thì Quân đội Xô Viết đã cơ bản hoàn thành việc hợp thành vũ khí và cơ giới hoá với nhiều loại xe tăng - xe thiết giáp đời mới.

Quân đội Mỹ sau Thế chiến thứ 2 đi trên một con đường khác với Quân đội Xô Viết. Do phải tham chiến ở Triều Tiên và sau đó là Việt Nam với bản chất là những cuộc chiến tranh bất cân xứng, trong đó các binh đoàn cơ giới hoá không có nhiều vai trò, nên việc hợp thành vũ khí chỉ giới hạn ở hoả lực bộ binh - pháo binh và không quân. Hơn thế nữa, do môi trường tác chiến trải dài từ châu Âu sang châu Á, nên Quân đội Mỹ phải chủ yếu dựa vào bộ binh với vũ khí nhẹ, dễ điều động bằng máy bay. Từ những năm 60 trở đi, với việc nhận định nước Mỹ đối mặt với nhiều đe doạ ở nhiều cấp độ khác nhau, từ chiến tranh hạt nhân đến chiến tranh du kích, nên Quân đội Mỹ thay đổi học thuyết thành Phản ứng linh hoạt, trong đó tiếp tục xu hướng hợp thành vũ khí và nâng cao sức cơ động cho các đơn vị trên một khung tổ chức dễ thay đổi. Đặc biệt, trong thời gian này, Quân đội Mỹ bắt đầu thử nghiệm sử dụng trực thăng làm phương tiện cơ động thay cho xe thiết giáp[45].

Từ những năm 1970 đến gần đây, Quân đội Mỹ đã 2 lần thay đổi học thuyết: mỗi lần mức độ hợp thành vũ khí lại tăng lên. Học thuyết hiện tại của Quân đội Mỹ là ứng dụng của thời đại tin học, đặt trọng tâm vào việc nối mạng tất cả các lực lượng (network centric) với quan niệm rằng đây là phương cách tốt nhất để tích hợp mọi nguồn lực, bao gồm nguồn lực cứng là các loại vũ khí và nguồn lực mềm là các loại thông tin chiến trường.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
Ghi chú
  1. ^ Vào năm 216 YCN, ở trận Cannae, tướng Hannibal của người Carthage (Bắc Phi) đã đánh bại quân đội La Mã với quân lực lớn hơn. Trên phương diện lý luận quân sự, trận đánh này được coi là kiểu mẫu cho chiến thuật vận động bao vây tập hậu[16].
  2. ^ Tên đầy đủ là Helmuth Karl Bernhard von Moltke, còn gọi là Moltke der Ältere-Monltke Lớn, viết tắt là "Moltke d. Ä." để phân biệt với cháu nội ông là Helmuth Johannes Ludwig von Moltke, còn gọi là Moltke der Jüngere (Moltke Nhỏ, viết tắt là "Moltke d. J.").
  3. ^ Súng máy Maxim đặt trên xe kéo cơ động đầu tiên vào năm 1884
  4. ^ Điểm xuất phát cho tư tưởng chiến thuật của von Seekt là quy mô quân số: Hiệp ước Versailles quy định Đức chỉ được giữ một quân lực giới hạn ở 10 vạn người.
  5. ^ Trong thời kỳ này, theo Hiệp ước Versailles, Đức không có một Bộ Tổng tham mưu, nên Truppenamt đóng vai trò của BTTM không chính thức.
  6. ^ Trong thời gian đầu những năm 30s, do hạn chế của Hiệp ước Versailles nên Đức phải nhờ sự hợp tác của Hồng quân để mở trường huấn luyện tác chiến xe tăng ở Kazan trên đất Liên Xô.
  7. ^ Nguyên bản tiếng Đức là "Erinnerungen eines Soldaten" ("Hồi ức người lính").
  8. ^ Thực tế chiến tranh cho thấy xe tăng không có bộ binh tùng thiết rất dễ bị tiêu diệt, đặc biệt ở giai đoạn sau, khi vũ khí chống tăng của bộ binh được cải thiện.
  9. ^ Vai trò này khiến xe tăng Đức chú trọng khả năng cơ động - bao gồm tầm hoạt động, khả năng di chuyển trên nhiều địa hình và tính đáng tin cậy - và cân bằng hơn với hoả lực và giáp.
  10. ^ Thực tế các sư đoàn đều có biên chế hơi khác, có thể có thêm các đơn vị phòng không hoặc chống tăng... linh động tuỳ theo từng nhiệm vụ.
  11. ^ Các sư đoàn PzGren này có khả năng phòng thủ linh hoạt trong khi cơ động để cân bằng với khả năng tấn công của các sư đoàn Pz.
  12. ^ Theo học thuyết Blitzkrieg, các đơn vị mở cửa đột phá cũng là các đơn vị vận động sâu vào hậu cứ đối phương, khác hẳn với Tác chiến chiều sâu của Hồng quân, khi đơn vị vận động sâu là lực lượng dự bị chưa tham chiến.
  13. ^ Đây cũng là điểm khác biệt so với tổ chức nhân sự của Hồng quân, vốn đặt kỷ luật cao hơn tư duy chiến thuật.
  14. ^ trận nước Pháp, chỉ cần một mũi chủ công (qua rừng Ardennes) do có địa thế biển Manche ở phía Tây, mũi kia (qua các nước Hà Lan và Bỉ) ban đầu đóng vai trò nghi binh và chỉ tham gia tích cực vào việc bao vây Liên quân Anh-Pháp ở Dunkirk sau khi mũi chủ công đã giành thắng lợi.
  15. ^ Các nhà sử học cho rằng Luftwaffe gắn chặt nhiệm vụ với Blitzkrieg mà không chú trọng nhiệm vụ tấn công nền công nghiệp chiến tranh của đối phương (cần phát triển máy bay ném bom và tiêm kích tầm xa) là một trong những thất bại lớn về mặt học thuyết.
  16. ^ Với sư tự tin thái quá vào chiến thắng nhanh chóng, Quân đội Đức thậm chí không chuẩn bị quần áo ấm cho mùa Đông.
  17. ^ Đây được xem là một quyết định sai lầm của Hitler khi không tấn công Moskva ngay, bởi lẽ theo học thuyết quân sự Xô viết, thì sức mạnh tiến hành chiến tranh nằm ở sức mạnh chính trị và nền kinh tế thay vì sức mạnh nhất thời của quân đội.
  18. ^ Pháp đầu tư xây Tuyến phòng thủ Maginot (Ma-gi-nô) trong khoảng thời gian này.
  19. ^ Cách nhìn này dẫn tới Phương Tây hoặc phát triển tăng bộ binh giáp dày hạng nặng có khả năng cơ động thấp, hoặc xe tăng hạng nhẹ để cơ động với giáp mỏng và hoả lực yếu.
  20. ^ Biên chế của một quân đoàn tăng (1943) gồm 2 lữ đoàn tăng và 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới, quân đoàn cơ giới hoá thì ngược lại, 1 lữ đoàn tăng và 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới, cộng thêm các đơn vị hỗ trợ (pháo, trinh sát, công binh, thông tin...).
  21. ^ Viết tắt từ "Главное Управление Исправительно-Трудовых Лагерей и колоний" - ГУЛаг, Tổng cục Quản lý các trại Lao động và Cải tạo.
  22. ^ Thất bại của Đức Quốc xã được nhận định do nguyên nhân đầu tiên là không "kiên trì mục tiêu chiến lược" - [44]
Nguồn dẫn
  1. ^ Keegan 1989, trg. 265.
  2. ^ “World Wars in-depth: New form of warfare?”. Blitzkrieg. BBC. ngày 22 tháng 5 năm 2009. Chú thích có các tham số trống không rõ: |accessmonthday=|accessyear= (trợ giúp)
  3. ^ Pier Paolo Battistelli, Panzer Divisions: The Blitzkrieg Years 1939-40[liên kết hỏng]
  4. ^ a b c Robert Michael Citino, The German way of war: from the Thirty Years' War to the Third Reich, các trang XI-XIII.
  5. ^ a b Theodor Schieder, Sabina Berkeley, Hamish M. Scott, Frederick the Great, trang 145
  6. ^ a b c Peter Paret, Felix Gilbert, Makers of modern strategy: from Machiavelli to the nuclear age, các trang 96-102.
  7. ^ a b Peter Zeihan (16/3/2010)
  8. ^ Matthias Strohn, The German Army and the Defence of the Reich: Military Doctrine and the Conduct of the Defensive Battle 1918-1939 , trang 1
  9. ^ H. W. Koch, History of Prussia, các trang 110-111.
  10. ^ a b Theodor Schieder, Sabina Berkeley, Hamish M. Scott, Frederick the Great, trang 128
  11. ^ Simon Millar, Adam Hook, Zorndorf 1758: Frederick Faces Holy Mother Russia, trang 11
  12. ^ Simon Millar, Adam Hook, Rossbach and Leuthen 1757: Prussia's Eagle Resurgent, các trang 7-11.
  13. ^ Peter Paret (bt), 1986, trg 131.
  14. ^ a b Peter Paret (bt), 1986, trg 283.
  15. ^ a b The Clausewitz Homepage
  16. ^ a b von Schlieffen 1931.
  17. ^ Matthias Strohn, The German Army and the Defence of the Reich: Military Doctrine and the Conduct of the Defensive Battle 1918-1939, các trang 36-37.
  18. ^ Grenville, J.A.S., A History of the World in the 20th Century, Cambridge, Harvard University Press, 2000, p. 21
  19. ^ “World Wars in-depth: Development of the strategy”. Blitzkrieg. BBC. ngày 22 tháng 5 năm 2009. Chú thích có các tham số trống không rõ: |accessmonthday=|accessyear= (trợ giúp)
  20. ^ Florian Waitl. “The True Strategy of Blitzkrieg”. Military History Online. Chú thích có các tham số trống không rõ: |accessmonthday=|accessyear= (trợ giúp)[liên kết hỏng]
  21. ^ Guderian, Heinz; Panzer Leader, trg.13
  22. ^ Guderian, Heinz; Panzer Leader, trg.20
  23. ^ Mary 2003, trg. 155
  24. ^ Edwards, Roger; Panzer, a Revolution in Warfare: 1939–1945, trg.145.
  25. ^ a b c Fowler 2002a, tr. 7
  26. ^ Lỗi Lua trong Mô_đun:Citation/CS1/Utilities tại dòng 76: bad argument #1 to 'message.newRawMessage' (string expected, got nil).
  27. ^ Frieser 2005, trg 89–90.
  28. ^ Xem thêm mô hình OODA của John Boyd (1995) Lưu trữ 2010-05-02 tại Wayback Machine
  29. ^ Frieser 2005, trg. 344–346.
  30. ^ Murray 1983, trg. 1 (Strategy for Defeat: The Luftwaffe 1933–1945).
  31. ^ Hooton 2007, trg. 34 (Luftwaffe at War: Gathering storm)
  32. ^ “Improvised Hedgehog Defenses”. Military Improvisations during the Russian Campaign. Center of Military History, United States Army, 1951. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2010. Chú thích có các tham số trống không rõ: |accessmonthday=|accessyear= (trợ giúp)
  33. ^ Glantz 1991, trg. 136-137.
  34. ^ Frieser 2005, trg 145–182.
  35. ^ Frieser 2005, trg. 291–310.
  36. ^ Guderian, Heinz; Panzer Leader, trg.94
  37. ^ Bergstrom 2007, trg. 23.
  38. ^ “The Foundations of the Science of War”. US ARMY COMMAND AND GENERAL STAFF. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2010. Chú thích có các tham số trống không rõ: |accessmonthday=|accessyear= (trợ giúp)
  39. ^ Liddell Hart, B. H. (1972). History of the First World War. London: Pan Books. tr. 436. ISBN 9780330233545.
  40. ^ “1890–1940: un officier non-conformiste”. www.charles-de-gaulle.org (bằng tiếng Pháp). Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2015. Truy cập 17/04/2010. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |access-date= (trợ giúp)
  41. ^ Harrison 2001, trg. 133.
  42. ^ Harrison 2001, trg. 193.
  43. ^ Glantz 1991, trg. 88.
  44. ^ a b Andrew Wright - MHO.
  45. ^ a b House J. 2002, Chương 6.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bergstrom, Christer (2007). Barbarossa - The Air Battle: July-tháng 12 năm 1941. London: Chervron/Ian Allen. ISBN 978-1-85780-270-2.
  • Corum, James S.The Roots of Blitzkrieg: Hans von Seeckt and German Military Reform. University Press of Kansas, 1994.
  • Deighton, Len.Blitzkrieg: From the rise of Hitler to the fall of Dunkirk. 1981.
  • David Glantz, David M., Col (rtd.) Soviet military operational art: in pursuit of deep battle, Frank Cass, London, 1991. ISBN 0-7146-4077-8
  • Edwards, Roger.Panzer: A Revolution in Warfare, 1939-1945. London: Brockhampton Press, 1998.
  • Manstein, Erich von.Lost Victories. Trans. Anthony G. Powell. Presidio, 1994.
  • Frieser, Karl-Heinz, and John T. Greenwood. (2005) The Blitzkrieg Legend: The 1940 Campaign in the West. Annapolis: Naval Institute Press. ISBN 1591142946.
  • Guderian, Heinz (1952). Panzer Leader . Thành phố New York: Nhà xuất bản Da Capo. ISBN 0-306-81101-4.
  • Keegan, John. (1989) The Second World War. (1989) New York: Penguin Books. ISBN 0143035738 ISBN 978-0143035732.
  • Harrison, Richard W. The Russian Way of War: Operational Art 1904–1940. Lawrence, Kan.: University Press of Kansas, 2001. ISBN 0-7006-1074-X
  • Hooton, E.R (2007). Luftwaffe at War; Gathering Storm 1933-39: Volume 1. London: Chervron/Ian Allen. ISBN 978-1-903223-71-7.
  • Mosier, John. The Blitzkrieg Myth: How Hitler and the Allies Misread the Strategic Realities of World War II. HarperCollins, 2003.
  • Peter Paret (chief editor), Makers of Modern Strategy: from Machiavelli to the Nuclear Age. Princeton, NJ: Princeton University Press, 1986. ISBN 9780691027647
  • Von Mellenthin, F. W. Panzer Battles: A Study of the Employment of Armor in the Second World War.
  • Watt, Robert. Feeling the Full Force of a Four Point Offensive: Re-Interpreting The Red Army's 1944 Belorussian and L'vov-Przemyśl Operations. The Journal of Slavic Military Studies. Routledge Taylor & Francis Group. ISSN 1351-8046
  • Williamson, Murray (1983). Strategy for Defeat: The Luftwaffe 1933–1945. United States Government Printing. ISBN 978-9997393487
  • Willmott, H.P. When Men Lost Faith in Reason: Reflections on War and Society in the Twentieth Century. Greenwood. 2002. ISBN 978-0275976651
  • Fowler, Will (2002a). Blitzkrieg - Poland and Scandinavia 1939-1940. Allan Publishing. ISBN 0-7110-2943-1

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]