Tư Mã Thiên
Tư Mã Thiên | |
---|---|
Sinh | k. 145 TCN hoặc 135 TCN Long Môn, nhà Hán (nay là Hàn Thành, Thiểm Tây) |
Mất | k. 86 TCN (sau 91 TCN) |
Nghề nghiệp | Nhà chiêm tinh, nhà sử học, nhà thơ |
Nổi tiếng vì | Tác giả của Sử ký |
Người thân | Tư Mã Đàm (cha) |
Tư Mã Thiên | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tên Tư Mã Thiên dưới dạng chữ phồn thể (trên) và giản thể (dưới) | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Phồn thể | 司馬遷 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Giản thể | 司马迁 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Biểu tự | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Phồn thể | 子長 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Giản thể | 子长 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nghĩa đen | Tử Trường | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Tư Mã Thiên (k. 145 TCN hoặc k. 135 TCN – k. 86 TCN), biểu tự Tử Trường (子長), là một nhà sử học Trung Quốc sống vào đầu thời nhà Hán (206 TCN – 220). Ông được coi là cha đẻ của ngành sử học Trung Quốc với bộ Sử ký,[1] một bộ thông sử Trung Quốc viết theo phong cách Thể kỷ truyện. Sử ký viết về hơn hai nghìn năm lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ sự trỗi dậy của Hoàng Đế huyền thoại và sự hình thành chính thể đầu tiên ở Trung Quốc cho đến thời của Tư Mã Thiên, thời Hán Vũ Đế trị vì.[2] Không chỉ là bộ thông sử đầu tiên được biết đến ở Trung Quốc cổ đại, Sử ký còn đóng vai trò như một khuôn mẫu cho việc ghi chép chính sử của các triều đại Trung Quốc tiếp theo và trên toàn vùng văn hóa chữ Hán (gồm cả các quốc gia Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản) mãi đến tận thế kỉ 20.[3][4]
Người đầu tiên khởi xướng công trình viết lại hoàn chỉnh toàn bộ lịch sử Trung Quốc là Tư Mã Đàm (司馬談), cha của Tư Mã Thiên; nhưng ông chỉ kịp hoàn thành bản phác thảo sơ khai trước khi qua đời. Sau khi thừa kế của vị trí của cha trong triều đình, Tư Mã Thiên đã quyết định thực hiện di nguyện của cha mình là hoàn thành và cho ra đời bộ tác phẩm lịch sử hoành tráng này. Tuy nhiên, vào năm 99 TCN, ông trở thành nạn nhân trong vụ án Lý Lăng khi đứng ra bênh vực cho vị tướng này dù cho triều đình nhà Hán nhận định Lý Lăng là nguyên nhân dẫn đến thất bại trước Hung Nô. Khi buộc phải chọn lựa một trong hai hình phạt tử hình hoặc bị hoạn, ông chấp nhận bị hoạn để có thể hoàn thành nốt tác phẩm lịch sử của mình.[5] Dù chủ yếu được mọi người nhớ đến nhờ bộ Sử ký, những tác phẩm còn sót lại cho thấy Tư Mã Thiên cũng là một nhà thơ và nhà văn tài năng. Bên cạnh đó, ông còn có công trong việc xây dựng Lịch Thái Sơ, một bộ nông lịch chính thức được ban hành vào năm 104 TCN.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Gốc gác
[sửa | sửa mã nguồn]Gia đình Tư Mã có truyền thống làm sử quan lâu đời.[6] Hai chữ "tư mã" có từ đời nhà Chu và dùng để gọi một chức quan võ coi tất cả các việc binh trong nước, tức như chức binh bộ thượng thư đời sau. Đời Chu Tuyên Vương (trị. 827 TCN – 782 TCN) một người giữ chức tư mã có công, được vua cho phép lấy tên chức làm họ.[7] Về sau họ Tư Mã lại có thêm nhiều đời làm sử quan cho nhà Chu.[8]
Thời Chiến quốc, nước Tần thời Huệ Văn vương có tướng giỏi là Tư Mã Thác, đã cùng Trương Nghi đánh bại Thục, giết chết vị vua Khai Minh cuối cùng, truất Thục vương đổi hiệu làm "hầu". Tư Mã Thác chính là tổ tiên trực hệ của Tư Mã Thiên.[9] Tư Mã Thác có một người cháu nội tên Tư Mã Cận, là phó tướng dưới quyền danh tướng Vũ An quân Bạch Khởi thời Tần Chiêu Tương vương, từng cùng Bạch Khởi chôn sống 40 vạn quân Triệu trong Trận Trường Bình. Đến cuối cùng lại bị Tần vương ban cho cái chết cùng với Bạch Khởi.[10] Cháu nội Tư Mã Cận là Tư Mã Xương (司馬昌), từng làm thiếc quan dưới thời Tần Thủy Hoàng.[a][11]
Ông nội của Tư Mã Thiên là Tư Mã Hỉ (司馬喜) chính là cháu nội của Tư Mã Xương, nguyên ở huyện Bì Thị (皮氏县; nay là Hà Tân, Vận Thành), từng làm quan đến ngũ đại phu (五大夫).[12] Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm, làm thái sử lệnh thời Hán Vũ Đế (trị. 141 TCN – 87 TCN), là một người học rộng, thích học thuyết Lão Trang, có một thiên Luận lục gia yếu chỉ (论六家要旨), bình luận về các học thuyết Âm dương, Nho giáo, Mặc gia, Pháp gia, Danh gia và Đạo gia.[13]
Thời niên thiếu và giáo dục
[sửa | sửa mã nguồn]Tư Mã Thiên là người huyện Hạ Dương (夏阳) thuộc Tả Phùng Dục (左馮翊), nay là Hà Tân của tỉnh Sơn Tây,[14] nhưng lớn lên ở Long Môn (nay là Hàn Thành thuộc Thiểm Tây).[b] Có khả năng ông sinh vào năm 145 TCN,[16] dù nhiều nguồn cho rằng năm sinh của ông là 135 TCN.[17] Vì không có nhiều tài liệu viết về Tư Mã Thiên, người ta chỉ có thể lấy thông tin dựa vào bức thư ông trả lời Nhiệm An năm 93 TCN,[18]. Năm 136 TCN, cha Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm được bổ nhiệm làm thái sử lệnh (太史令),[19] chịu trách nhiệm nghiên cứu xây dựng lịch hằng năm, trình lên hoàng đế những ngày tốt và xấu trong năm kế trước thời điểm đầu năm mới.[c][21] Bên cạnh đó, thái sử lệnh còn phải đi cùng hoàng đế để thực hiện các nghi lễ quan trọng và ghi chép các sự kiện thường nhật cả trong lẫn ngoài triều đình.[22]
Từ nhỏ, Tư Mã Thiên đã được học nhiều sách văn học và sử học đương thời. Lên mười tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng thời trước.[23][24] Tư Mã Thiên từng là học trò của một số nhà Nho nổi tiếng như Khổng An Quốc (孔安國), Đổng Trọng Thư.[25][26] Ông lớn lên trong môi trường Nho giáo, luôn coi tác phẩm lịch sử của mình là hành động báo hiếu với cha theo đúng tư tưởng Nho gia.[22]
Năm 126 TCN, thời nhà Hán, Tư Mã Thiên quyết định bắt đầu một chuyến đi vòng quanh Trung Quốc.[21] Mục đích của chuyến đi là để thu thập các tài liệu và bằng chứng lịch sử, kiểm chứng lời đồn đại, truyền thuyết và thăm viếng di tích lịch sử. Ông bắt đầu cuộc hành trình từ kinh đô Trường An (gần Tây An ngày nay), đi về phía nam qua Trường Giang đến Trường Sa (tỉnh Hồ Nam ngày nay). Tại đây, Tư Mã Thiên thăm lưu vực sông Mịch La, tương truyền là nơi nhà thơ Khuất Nguyên đã gieo mình tự sát vào thời Chiến quốc.[27] Sau đó, ông lại đi tìm nơi chôn cất của Hạ Vũ trên núi Hội Kê và của Đế Thuấn trên núi Cửu Nghi (nay thuộc huyện Ninh Viễn, Hồ Nam).[28] Tiếp tục cuộc hành trình, ông đi về phía bắc đến Hoài Âm (淮阴, nay là Hoài An thuộc tỉnh Giang Tô) để xem mộ danh tướng nhà Hán Hàn Tín, sau đó tiếp tục đi về phía bắc đến Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử.[21]
Cuộc đời
[sửa | sửa mã nguồn]Vào triều làm quan
[sửa | sửa mã nguồn]Sau chuyến ngao du vòng quanh đất nước, Tư Mã Thiên chính thức vào triều làm quan với chức lang trung. Ông từng phụng mệnh đi sứ đến nhiều nơi để quan sát như Ba Thục, Côn Minh,[29] lại theo Hán Vũ Đế tuần du đến nhiều ngọn núi nổi tiếng, những con sông rộng lớn và các đô ấp quan trọng.[30][31] Năm 110 TCN, Tư Mã Đàm qua đời.[32] Mùa xuân năm đó, Hán Vũ Đế trên đường quay về từ chuyến đông tuần đến Bội Hải thì dừng lại tại Thái Sơn để cử hành đại điển phong thiện.[d] Tư Mã Đàm vốn đứng trong hàng ngũ quan viên tham gia chế định lễ nghi cho đại điển này, lại vì bị bệnh mà phải ở lại Chu Nam (nay là vùng lân cận Lạc Dương), không thể tiếp tục tiến hành công việc, cũng vì vậy mà lòng ngày càng phiền muộn dẫn đến bệnh trầm trọng hơn.[33] Lúc bấy giờ, Tư Mã Thiên vừa hoàn thành nhiệm vụ đi sứ các vùng Tây Nam thì lập tức trở về tham gia đại điển phong thiện. Tuy nhiên, Tư Mã Thiên vừa đến Lạc Dương đã nghe tin cha bệnh nguy kịch liền nhanh chóng đến Chu Nam. Trước khi qua đời, Tư Mã Đàm đã nhắn nhủ con trai về ước nguyện cả đời của ông:[34]
Tổ tiên chúng ta vốn là thái sử thời nhà Chu; xa hơn nữa về thời Ngu, Thuấn, Hạ Vũ cũng từng đạt được công danh hiển hách, chủ quản việc thiên văn. Về sau suy bại dần, chẳng lẽ lại đứt đoạn ở đời của ta hay sao? Nếu con làm Thái sử liền có thể kế tục sự nghiệp nhiều đời nay của tổ tiên rồi. Hôm nay, thiên tử kế thừa sự nghiệp nhất thống ngàn năm của triều Hán, đến làm lễ phong thiện ở Thái Sơn, nhưng ta lại không thể đi theo, đây có lẽ là mệnh trời. Sau khi ta chết đi, thế nào con cũng nối nghiệp ta làm thái sử. Khi làm thái sử chớ quên những điều ta muốn bàn, muốn viết....Hiện nay triều Hán hưng khởi, bốn biển một nhà, vua sáng tôi hiền, ta làm thái sử mà không chép lại được những điều ấy rất lấy làm xấu hổ. Con hãy nhớ lấy! |
Hai năm sau, khi hết thời gian tang chế, Tư Mã Thiên được Vũ Đế phong làm thái sử lệnh kế nghiệp cha.[37][38] Cuối năm 105 TCN, ông cùng với nhóm người Đường Đô, Lạc Hạ Hoành tham gia cải cách lịch pháp.[39] Vì bộ lịch mới chính thức được phát hành vào năm đầu tiên niên hiệu Thái Sơ (104 TCN) nên được đặt tên là "Lịch Thái Sơ" (太初曆).[40] Sau khi bộ lịch hoàn thành, Tư Mã Thiên bắt đầu tiếp quản công việc soạn sử dang dở của cha.[41][42]
Vụ án Lý Lăng
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 99 TCN, Tư Mã Thiên bị cuốn vào vụ án Lý Lăng. Ban đầu, Hán Vũ Đế lệnh cho Lý Quảng Lợi làm chủ soái, Lý Lăng chỉ chịu trách nhiệm vận chuyển quân lương. Tuy nhiên Lý Lăng không chịu, thuyết phục Vũ Đế đồng ý cho phép ông dùng 5 ngàn quân tiến đánh quân Hung Nô. Tuy nhiên, sau một thời gian quyết chiến, quân Lý Lăng ít ỏi lại không được triều đình tiếp viện, đã không địch nổi kỵ binh Hung Nô; Lý Lăng lựa chọn đầu hàng. Nghe tin Lý Lăng đầu hàng, Vũ Đế vô cùng tức giận, ra lệnh bắt nhốt toàn bộ gia đình Lý Lăng. Khi Vũ Đế đem việc này hỏi ý Tư Mã Thiên, ông liền đứng ra bênh vực Lăng:[5]
Lăng hầu hạ mẹ già có hiếu, đối với sĩ tốt có tín, thường phấn đấu quên mình để phục vụ quốc gia lúc nguy nan. Ông ta tu dưỡng đã lâu mới có được phong độ quốc sĩ. Nay làm việc mới một lần thất bại, sao lại vì đám bề tôi chỉ có khả năng bảo vệ vợ con thêu dệt lỗi lầm của ông ta, thật khiến người ta đau lòng! Huống hồ bộ tốt của Lăng chưa đến 5000, thâm nhập vào giữa lòng địch, kháng cự mấy vạn quân đội, khiến giặc thương vong không đếm xuể, phải dốc hết dân chúng ra cầm cung cùng vây đánh họ. Chiến đấu ngàn dặm, tên hết đường cùng, binh sĩ thì cung không còn tên, tay không tấc sắt, quay mặt về phương bắc tranh nhau liều chết với địch; có được bộ hạ liều chết ra sức như thế, dẫu là danh tướng đời xưa cũng không hơn được. Lăng rơi vào vòng vây mà thất bại, nhưng đánh giết một phen cũng đủ để nổi tiếng khắp nơi. Ông ấy không chết, hẳn là muốn lập công chuộc tội cho nhà Hán đấy! |
Vốn theo ý định ban đầu của Vũ Đế thì Lý Lăng chỉ phụ trách hỗ trợ cho Nhị sư tướng quân Lý Quảng Lợi. Mặc dù về sau Lý Lăng lấy ít đánh nhiều, nhiều trận đánh thắng thiền vu, giết nhiều quân Hung Nô, nhưng ở giữa lại gặp phải nhiều hiểu lầm do truyền tin từ trung gian. Khi nghe Tư Mã Thiên biện hộ, Vũ Đế đã cho rằng ông có ý đề cao Lăng mà dè bỉu Quảng Lợi nhút nhát không lập nên công trạng; trong khi Quảng Lợi lại là anh trai của Lý phu nhân, rất được Vũ Đế yêu quý.[45] Cuối cùng, dưới cơn thịnh nộ của Vũ Đế, Tư Mã Thiên bị phán tội "hủ hình" (bị thiến) và phải chịu giam cầm trong 3 năm. Lúc bấy giờ, ông vẫn chưa có con trai, chỉ mới có một người con gái.[46] Nhiều học giả cho rằng, hình phạt bị thiến đối với Tư Mã Thiên là một sự sỉ nhục. Ông nêu quan điểm dưới góc nhìn của một thái sử lệnh, nhưng vì lời thật khó nghe mà làm Vũ Đế phật lòng.[47] Trong bức thư gửi cho người bạn Nhiệm An, Tư Mã Thiên có viết: "Tôi sở dĩ ẩn nhẫn cẩu hoạt,[e] chịu sống tối tăm trong cảnh dơ dáy là hận rằng lòng riêng có chỗ chưa bộc lộ hết, bỉ lậu[f] mà chết đi thì văn chương không được tỏ rõ với đời sau."[48]
Mãi tới khi quyền thần Vương Mãng (45 TCN – 23) đảo chính và lên nắm quyền, triều đình nhà Tân mới xét lại rằng Tư Mã Thiên bị xử oan, tìm một người trong dòng họ ông phong cho chức sử thông tử.[49]
Trở lại làm quan và qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi ra tù năm 96 TCN, Tư Mã Thiên được phong làm trung thư lệnh (中书令), một chức quan cao hơn thái sử lệnh rất nhiều, được ra vào cung cấm, lại được hầu cận bên cạnh hoàng đế.[50][51] Tuy nhiên, đây vốn là một chức quan thường do hoạn quan đảm nhiệm, là một sự sỉ nhục đối với Tư Mã Thiên. Cũng vì vậy mà ông không còn để ý đến việc triều đình, chỉ tập trung vào những công trình học thuật của mình.[52] Trước khi Tư Mã Đàm qua đời đã dặn dò Tư Mã Thiên phải nối nghiệp chép sử của tổ tiên, phải hoàn thành được bộ Sử ký, cũng vì lẽ đó mà Tư Mã Thiên dốc lòng hoàn thành công trình thông sử đồ sộ này. Theo học giả Vương Quốc Duy, hiện không có hồ sơ đáng tin cậy nào cho biết chính xác thời gian Tư Mã Thiên qua đời. Hầu hết các nhà sử học hiện đại đều cho rằng Tư Mã Thiên đã lui về làm ẩn sĩ sau khi rời khỏi triều đình và có lẽ mất vào năm 86 TCN.[53][54]
Đóng góp
[sửa | sửa mã nguồn]Thiên văn học
[sửa | sửa mã nguồn]Tư Mã Đàm và Tư Mã Thiên đều là các nhà chiêm tinh của triều đình nhà Hán. Đây là chức vụ quan trọng, có nhiệm vụ giải nghĩa và tiên đoán các việc triều chính trong sự hài hòa với chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao, cùng các hiện tượng tự nhiên khác như nhật thực, động đất. Từ lúc nhà Hán mới thành lập, hầu hết mọi việc đều noi theo nhà Tần, lịch pháp cũng sử dụng Lịch Chuyên Húc thời Tần. Tuy nhiên, Lịch Chuyên Húc lại không thể tính toán chính xác những thứ liên quan đến tuần trăng. Vì vậy, Hán Vũ Đế đã giao cho Tư Mã Thiên cùng Công Tôn Khanh, Hồ Toại thảo luận để định chế ra một loại lịch mới. Năm bộ lịch mới được phát hành cũng là năm bắt đầu niên hiệu mới của Vũ Đế, vì vậy mà được đặt tên "Lịch Thái Sơ".[55]
Theo Lịch Thái Sơ, một năm có 365,25 ngày (chính xác là ngày) được chia làm 12 tháng âm lịch, mỗi tháng có 29,53 ngày (chính xác là ngày).[56] Ngoài việc áp dụng hệ thống 24 tiết khí,[57] Lịch Thái Sơ còn lấy tháng giêng là tháng đầu năm như thường thấy ngày nay, thay vì lấy tháng 10 làm tháng đầu năm như Lịch Chuyên Húc.[58] Sự xuất hiện của bộ lịch mới này đã đánh dấu một cuộc cách mạng trong lịch sử lịch pháp ở Trung Quốc.[59] Đây có thể xem là bộ lịch có độ chính xác cao nhất thời bấy giờ, được lập ra nhờ quá trình cẩn thận quan sát thiên văn. Cũng từ đây mà Lịch Thái Sơ trở thành bộ lịch chính thức được người Trung Quốc sử dụng suốt 2 ngàn năm lịch sử tiếp theo.[39]
Năm 1960, tiểu hành tinh thứ 12620 trong vành đai chính đã được các nhà khoa học phát hiện và định danh theo tên của Tư Mã Thiên.[60][61]
Sử học
[sửa | sửa mã nguồn]Sử ký hay Sách của quan Thái sử (太史公書, Thái sử công thư) là tác phẩm quan trọng nhất của Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên biên soạn Sử ký không chỉ để hoàn thành di nguyện của người cha Tư Mã Đàm mà còn để giãi bày tâm sự, nỗi phẫn uất đối với triều đình cũng như hoàn cảnh của bản thân. Trong phần hậu đề của Sử ký, ông viết:
昔西伯拘羑里, 演周易; 孔子戹陳蔡, 作春秋; 屈原放逐, 著離騷; 左丘失明, 厥有國語; 孫子臏腳, 而論兵法; 不韋遷蜀, 世傳呂覽; 韓非囚秦, 說難、 孤憤; 詩三百篇, 大抵賢聖發憤之所為作也。 此人皆意有所鬱積, 不得通其道也。[62] |
Xưa Tây bá bị tù ở Dũ Lý[g] nên diễn giải Chu Dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Thái nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên viết "Ly tao'"; Tả Khâu Minh bị mù làm Quốc Ngữ; Tôn Tẫn cụt chân bàn Binh pháp; Lã Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lãm; Hàn Phi bị tù ở Tần làm những thiên Thuyết Nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở Kinh Thi phần lớn đều do thánh hiền làm ra để giãi bày cái nỗi phẫn uất. Những người ấy đều vì những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc xưa mà lo truyền lại người sau. |
Trong Sử ký, Tư Mã Thiên trình bày các sự kiện theo chuỗi kèm theo chú giải, nguồn tham khảo nhưng không theo trình tự thời gian, mà chia theo 5 phần bao gồm "Bản kỷ", "Biểu", "Thư", "Thế gia" và "Liệt truyện"; viết về nhiều lĩnh vực của xã hội gồm âm nhạc, lễ hội, lịch, tín ngưỡng, kinh tế. Các phần khác nhau của Sử ký có cấu trúc cũng như mục đích khác nhau: "Bản kỷ" có cấu trúc tương tự với những biên niên sử truyền thống của Trung Quốc cổ đại, mô tả về các triều đại cũng như viết về tiểu sử các quân chủ đương thời; "Biểu" là hệ thống bảng sử kiện quan trọng qua các triều đại cũng như phả hệ hoàng gia; "Thư" là phần ngắn nhất, viết về lịch sử phát triển của nghi lễ, âm nhạc, luật thẩm âm, lịch, thiên văn học, lễ tế, kinh tế, sông ngòi; "Thế gia" là phần quan trọng nhất, ghi lại các sự kiện quan trọng trong lịch sử những người cai trị các quốc gia gần như độc lập thời nhà Chu (về cơ bản là chư hầu của các vị vua nhà Chu), cũng như tiểu sử của các gia đình quý tộc thời nhà Hán; "Liệt truyện" là phần có nội dung đồ sộ nhất trong cả 5 phần, viết về tiểu sử của khoảng 130 người Trung Quốc nổi bật.[63][64]
Công trình này gồm 526.500 chữ, 130 thiên, hơn một nửa trong số đó là viết về thời nhà Hán.[65] Khác với các nhà sử học trước đây chỉ biên soạn về một triều đại hay một khoảng thời gian nhất định,[66] Tư Mã Thiên là nhà sử học Trung Quốc đầu tiên ghi chép lại hầu hết sự kiện lịch sử từ thuở khai nguyên cho tới thời đại mà ông đang sống. Nói cách khác, ông là cha đẻ của thể loại thông sử.[67] Trước Tư Mã Thiên, hầu hết các nhà sử học đều viết sử cho triều đình, đứng dưới góc nhìn của những nhà cai trị. Phong cách viết sử mở rộng ra nhiều mặt của xã hội trong Sử ký đã ảnh hưởng đến Trịnh Tiều (鄭樵) khi biên soạn Thông sử (通史) hay Tư Mã Quang khi biên soạn Tư trị thông giám.[68] Không chỉ vậy, Sử ký đã xây dựng một phong cách viết sử mà sau này trở thành "khuôn mẫu chính thức" cho tài liệu lịch sử Trung Hoa cũng như các nước trong vùng văn hóa chữ Hán.[4]
Không rõ thời điểm chính xác bộ thông sử này hoàn thành, khoảng sau năm 94 TCN, có thể là vào năm 93 hoặc 91 TCN.[69] Tư Mã Thiên không giấu giếm việc ông biên soạn Sử ký, nhưng rất ít người biết việc nó được hoàn thành. Mãi cho đến thời Hán Tuyên Đế, cháu ngoại của Tư Mã Thiên là Dương Uẩn mới công bố công trình học thuật này với tên gọi Thái sử công thư.[70]
Văn học
[sửa | sửa mã nguồn]Sử ký của Tư Mã Thiên không chỉ là hình mẫu của văn học tiểu sử có giá trị văn học cao mà còn được coi là sách giáo khoa cho việc nghiên cứu Hán học cổ điển. Nó được các nhà phê bình coi là có "trình độ miêu tả điêu luyện" (như phương pháp đàm thoại khiến các miêu tả thêm sống động), "phong cách sáng tạo" (ngôn ngữ bình dân, dí dỏm và phong phú, như tác phẩm thơ không vần), "súc tích" (cách viết chỉ miêu tả những điểm cốt yếu, ngắn gọn dễ hiểu). Ngay cả Lỗ Tấn cũng ví công trình lịch sử này là "tuyệt xướng của sử gia, một "Ly tao" không vần" trong Đề cương lịch sử văn học Trung Quốc.[71] Phong cách viết trong Sử ký cũng ảnh hưởng đến việc viết tiểu thuyết, bao gồm truyện ngắn cổ điển của thời kỳ trung đại và cuối thời trung cổ (thời Đường, Tống) và những tác phẩm bạch thoại sau này.[72]
Một tác phẩm khác của Tư Mã Thiên cũng có sức ảnh hưởng không kém là Thư gửi Nhiệm An. Bức thư kể về những đau khổ của ông trong vụ án Lý Lăng cũng như sự kiên trì khi viết Sử ký đã trở thành một điển phạm về phong cách văn xuôi, được nghiên cứu rộng rãi ở Trung Quốc cho đến ngày nay. Trong thư có đoạn: "Người rồi sẽ có một lần chết đi; có người xem cái chết nặng như Thái Sơn, cũng có người xem nó nhẹ tựa lông hồng; khác nhau có chăng là họ dùng nó để làm gì." (人固有一死,或重于泰山,或輕于鴻毛,用之所趨異也。)[73] Câu nói này không chỉ trở nên nổi tiếng trong nền văn học Trung Quốc mà còn từng được Chủ tịch Mao Trạch Đông diễn giải trong một bài phát biểu bày tỏ lòng kính trọng đối với những người lính Giải phóng quân đã hi sinh.[74]
Về thơ, Tư Mã Thiên còn viết 8 bài phú đã được nhắc đến trong Hán thư. Tuy nhiên, ngoại trừ một bài là "Xót thương kẻ sĩ không gặp thời" (悲士不遇賦, Bi sĩ bất ngộ phú), những tác phẩm còn lại đều đã thất lạc.[75]
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]Gia đình của Tư Mã Thiên không được ghi chép cụ thể; chỉ biết ông có một con gái tên Tư Mã Anh (司馬英)[76] gả cho An Bình Kính hầu Dương Sưởng (楊敞),[77] sinh ra Dương Trung (楊忠) và Dương Uẩn (楊惲).[78] Theo các nhà sử học, Tư Mã Anh chính là người đã lưu giữ bản thảo Sử ký của cha và truyền lại cho con trai mình.[79] Thời Hán Tuyên Đế, Dương Uẩn được phong làm Bình Thông hầu (平通侯). Chính vào lúc này, Dương Uẩn thấy nền chính trị nhà Hán đã khác, bèn dâng biểu lên xin Tuyên Đế phát hành Sử ký do ông ngoại để lại.[70][80] Từ đó, hậu thế mới biết đến một bộ Sử ký trứ danh.
Trong văn hóa đại chúng
[sửa | sửa mã nguồn]Năm | Tác phẩm | Thể loại | Diễn viên | Nguồn | |
---|---|---|---|---|---|
Tên gốc | Tạm dịch | ||||
1997 | 司马迁与汉武帝 | Tư Mã Thiên và Hán Vũ Đế | Phim truyền hình | Cừu Vĩnh Lực | [81] |
2001 | 大汉天子 | Thiên tử Đại Hán | Phim truyền hình | Lý Thịnh Dục | [82] |
2005 | 汉武大帝 | Hán Vũ Đại Đế | Phim truyền hình | Vương Vãng | [83] |
2021 | 典籍里的中国 | Trung Quốc trong điển tịch | Kịch nói |
|
[84] |
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Thiếc quan (铁官) là một chức quan trong triều đình phong kiến Trung Quốc chuyên phụ trách quản lý thiếc vào thời Tần Hán.
- ^ Long Môn (龙门) là một nơi hiểm yếu trên Hoàng Hà, vắt ngang hai bờ đông tây. Bờ đông là huyện Bì Thị (皮氏) thuộc quận Hà Đông; bờ tây là huyện Hạ Dương (夏阳县) thuộc Tả Phùng Dực (左冯翊).[15]
- ^ Thái sử lệnh hay thái sử (太史) là một chức quan thời phong kiến Trung Quốc. Vào thời Tây Chu, Xuân Thu, thái sử là một chức quan có địa vị cao, là quan đại thần trong triều đình, chịu trách nhiệm quản lý việc khởi thảo văn thư, các loại văn tự ghi chép số mệnh của các khanh đại phu chư hầu, ghi chép lịch sử, biên soạn sử thư, lại kiêm quản điển tịch, thiên văn lịch pháp, tế tự,.. Được xem là người đứng đầu trong hàng ngũ sử quan. Đến thời Hán, chức trách của thái sử lệnh không thay đổi nhiều, địa vị có chút thấp dần nhưng vẫn được xếp vào hàng ngũ đại thần triều đình.[20]
- ^ Phong thiện (封禅) ý chỉ việc vua chúa lên núi Thái Sơn cúng tế trời đất.
- ^ Theo từ điển Hán Nôm, "cẩu hoạt" (苟活) mang ý nghĩa "Sống được thì thôi, chịu nhục cũng đành" hay "Sống được thì thôi, bằng lòng chịu nhục".
- ^ Bỉ lậu (鄙陋) tức thô tục quê mùa.
- ^ Dũ Lý (羑里) hay còn gọi là ngục Dũ Lý, nay thuộc huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam, là nơi Trụ vương giam giữ Văn vương (Cơ Xương)
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Brown (2017), tr. 297.
- ^ Kryukov (2001), tr. 15.
- ^ Jay (1999), tr. 1093–1094.
- ^ a b Cunningham (2018), tr. 58.
- ^ a b Lý Đôn Thánh (2013), tr. 18.
- ^ Viện nghiên cứu (2001), tr. 151.
- ^ Cát Xuân (1989), tr. 4.
- ^ Lữ Bồi Thành & Từ Hưng Hải (1995), tr. 173.
- ^ Du Chương Hoa (2005b), tr. 51.
- ^ Quý Trấn Hoài (2016), tr. 7.
- ^ Hứa Lăng Vân (1994), tr. 3.
- ^ Ban biên soạn Từ điển (1991), tr. 13.
- ^ Quý Trấn Hoài (2016), tr. 8.
- ^ Cát Xuân (1989), tr. 11.
- ^ Trịnh Tuệ Sinh (1998), tr. 8.
- ^ Boyd (2019).
- ^ Knechtges (2013), tr. 959.
- ^ Brown (2017), tr. 298.
- ^ de Crespigny (2007), tr. 1222.
- ^ Lý Đôn Thánh (2013), tr. 17.
- ^ a b c Knechtges (2013), tr. 960.
- ^ a b Hughes-Warrington (2014), tr. 278.
- ^ Larson (1991), tr. 13.
- ^ Wolf (1998), tr. 50.
- ^ Lý Đôn Thánh (2013), tr. 16.
- ^ Lạc Ngọc Minh (2011), tr. 112.
- ^ Hồng Nguyên (2018), tr. 401.
- ^ Watson (1958), tr. 47.
- ^ Khương Phi (2014), tr. 120.
- ^ Quách Mạt Nhược (1962), tr. 161.
- ^ Phùng Lôi (1991), tr. 406.
- ^ Cotesta (2021), tr. 264.
- ^ Cotesta (2021), tr. 263.
- ^ Thi Vĩ Đạt & Chử Cống Sinh (1994), tr. 184.
- ^ Trình Hưng Ái & Lý Cảnh Minh (2003), tr. 95.
- ^ Tống Diễn Thân (1996), tr. 18.
- ^ Du Chương Hoa (2005a), tr. 552.
- ^ Woolf (2014), tr. 835.
- ^ a b Knechtges (2013), tr. 961.
- ^ Phùng Chí Viễn (2011), tr. 88.
- ^ Diệp Lãng & đồng nghiệp (2007), tr. 300.
- ^ Kryukov (2001), tr. 24.
- ^ Cố Dịch Sinh (2002), tr. 163.
- ^ Quách Dự Hành (1994), tr. 123.
- ^ Nguyễn Hiến Lê (2018), tr. 26–27.
- ^ Nguyễn Hiến Lê (2018), tr. 27.
- ^ Đan Truyền Hàng (2020), tr. 479.
- ^ Nguyễn Hiến Lê (2018), tr. 59.
- ^ Nguyễn Hiến Lê (2018), tr. 30.
- ^ Kuiper (2014), tr. 113.
- ^ Knechtges (2013), tr. 962.
- ^ Tiễn Niệm Tôn (2008), tr. 58.
- ^ Hứa Bân (2015), tr. 31.
- ^ Lý Đôn Thánh (2013), tr. 30.
- ^ Kryukov (2001), tr. 23.
- ^ Đặng Ấm Kha (2011), tr. 78.
- ^ Chu Tô Lực (2018), tr. 151.
- ^ Trịnh Truyền Dần (1998), tr. 102.
- ^ Diệp Lãng & đồng nghiệp (2007), tr. 326.
- ^ Schmadel (2012), tr. 823.
- ^ “JPL Small-Body Database Browser: 12620 Simaqian (6335 P-L)”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực, NASA. ngày 5 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2021.
- ^ Kha Khánh Minh (2020), tr. 129.
- ^ Wilkinson (2013), tr. 706.
- ^ Knechtges (2013), tr. 897.
- ^ Diệp Lãng & đồng nghiệp (2007), tr. 301.
- ^ Hughes-Warrington (2014), tr. 281.
- ^ Nguyễn Hiến Lê (2018), tr. 35.
- ^ Ngô Hoài Kỳ (2018), tr. 345.
- ^ Đặng Ấm Kha (2008), tr. 13.
- ^ a b Dương Dực Tương (1987), tr. 30.
- ^ Diêu Đan (2006), tr. 3.
- ^ Ward (2008), tr. 26.
- ^ Ngụy Thông Kỳ (2018), tr. 13.
- ^ Mã Tể Bân & Hạ Tân Huy (1994), tr. 182.
- ^ Trần Khánh Nguyên (2000), tr. 143.
- ^ Kỳ Liên Hưu (1989), tr. 52.
- ^ Cát Xuân (1989), tr. 112.
- ^ Thi Vĩ Đạt & Chử Cống Sinh (1994), tr. 225.
- ^ Lý Đôn Thánh (2013), tr. 419.
- ^ Klein (2019), tr. 25.
- ^ Tống Liên Tường (2002), tr. 172.
- ^ “李晟毓” [Lý Thịnh Dục]. Điện ảnh đại chúng (1–10): 31. 2008.
- ^ Mudge, James (ngày 13 tháng 4 năm 2010). “Confucius (2009) Movie Review”. Beyondhollywood.com.
- ^ Trương Thiến (ngày 14 tháng 7 năm 2021). “《典籍里的中国》:跨越时空的对话” ["Trung Quốc trong điển tịch": Cuộc đối thoại vượt thời không]. Nhật báo Quang Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2021.
Nguồn
[sửa | sửa mã nguồn]- Boyd, Kelly (2019). Encyclopedia of Historians and Historical Writing [Bách khoa toàn thư về Sử gia] (bằng tiếng Anh). Routledge. ISBN 9781136787645.
- Brown, Kerry (2017). “Sīmǎ Qiān” [Tư Mã Thiên]. Berkshire Dictionary of Chinese Biography [Từ điển Berkshire về tiểu sử người Trung Quốc] (bằng tiếng Anh). Berkshire Publishing Group. ISBN 9781933782614.
- Chu Tô Lực (2018). Zhang Yongle; Bell, Daniel A. (biên tập). The Constitution of Ancient China [Hiến pháp Trung Quốc cổ đại]. The Princeton-China Series (bằng tiếng Anh). 9. Ryden, Edmund biên dịch. Princeton University Press. doi:10.23943/9781400889778. ISBN 9780691171593.
- Cotesta, Vittorio (2021). The Heavens and the Earth: Graeco-Roman, Ancient Chinese, and Mediaeval Islamic Images of the World [Thiên đường và Trái đất: Hình ảnh thế giới của đạo Hồi Graeco-La Mã, Trung Quốc cổ đại và thời Trung cổ] (bằng tiếng Anh). Carthy, Catherine MC biên dịch. Brill. ISBN 9789004464728.
- de Crespigny, Rafe (2007). A Biographical Dictionary of Later Han to the Three Kingdoms (23–220 AD) [Từ điển tiểu sử từ Hậu Hán đến Tam quốc (23–220)]. Leiden: Brill. ISBN 9789004156050.
- Cunningham, Glen (2018). History & Histography [Lịch sử và Sử học] (bằng tiếng Anh). Scientific e-Resources. ISBN 9781839472763.
- Diệp Lãng; Phí Chấn Cương; Vương Thiên Hữu (2007). “Sima Qian and The Records of the Historian” [Tư Mã Thiên và Sử ký]. China: Five Thousand Years of History and Civilization [Trung Quốc: Năm ngàn năm lịch sử và văn minh]. City University of HK Press. ISBN 9789629371401.
- Durrant, Stephen; Lý Huệ Nghi; và đồng nghiệp (2016). The Letter to Ren An and Sima Qian’s Legacy [Thư gửi Nhiệm An và Di sản của Tư Mã Thiên]. University of Washington Press. ISBN 9780295806389.
- Đặng Ấm Kha (2008). History of China [Lịch sử Trung Quốc]. Martha Avery; Yue Pan biên dịch. China Intercontinental Press. ISBN 9787508510989.
- Đặng Ấm Kha (2011). Ancient Chinese Inventions [Phát minh của Trung Quốc thời cổ đại] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 3). Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 9780521186926.
- Jay, Jennifer (1999). “Sima Qian” [Tư Mã Thiên]. Trong Kelly Boyd (biên tập). The Encyclopedia of Historians and Historical Writing Volume 2 [Bách khoa toàn thư về Sử gia (tập 2)]. FitzRoy Dearborn. ISBN 9781884964336.
- Hồng Nguyên (2018). The Sinitic Civilization Book II: A Factual History Through the Lens of Archaeology, Bronzeware, Astronomy, Divination, Calendar and the Annals (bằng tiếng Anh). iUniverse. ISBN 9781532058301.
- Hughes-Warrington, Marnie (2014). Fifty Key Thinkers on History [50 nhà tư tưởng chính trong lịch sử]. Routledge Key Guides (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 3). London: Routledge. ISBN 9781134482535.
- Klein, Esther S. (2019). Reading Sima Qian from Han to Song: The Father of History in Pre-Modern China [Đọc về Tư Mã Thiên từ Hán sang Tống: Cha đẻ của sử học Trung Quốc tiền hiền đại]. Brill. ISBN 9789004376878.
- Knechtges, David R. (2013). “Sima Qian 司馬遷” [Tư Mã Thiên]. Trong Knechtges, David R.; Chang, Tai-ping (biên tập). Ancient and Early Medieval Chinese Literature: A Reference Guide, Part Two [Văn học Trung Quốc cổ đại và sơ kỳ trung đại: Hướng dẫn tham khảo, phần 2]. Leiden, South Holland: Brill. tr. 959–965. ISBN 9789004192409.
- Kuiper, Kathleen (2014). Classical authors: 500 BCE to 1100 CE [Những tác giả cổ điển: 500 TCN đến 1100 CN] (ấn bản thứ 1). New York: Britannica Educational Publishing in association with Rosen Educational Services, LLC. ISBN 9781622750047. OCLC 852251903.
- Lạc Ngọc Minh (2011). A Concise History of Chinese Literature [Lược sử Văn học Trung Quốc]. Brill's humanities in China library (bằng tiếng Anh). 4. Yang Ye biên dịch. Brill. ISBN 9789004203662. ISSN 1874-8023.
- Larson, Wendy (1991). Literary Authority and the Modern Chinese Writer: Ambivalence and Autobiography [Cơ quan văn học và nhà văn Trung Quốc hiện đại: Môi trường xung quanh và tự truyện]. Handbook of microwave and optical components (bằng tiếng Anh). 2. Duke University Press. ISBN 9780822311133.
- Lý Đôn Thánh (2013). Ancient History of the Manchuria [Lịch sử Mãn Châu cổ đại] (bằng tiếng Anh). Xlibris Corporation. ISBN 9781483667676.
- Ngô Hoài Kỳ (2018). An Historical Sketch of Chinese Historiography. Springer. doi:10.1007/978-3-662-56253-6. ISBN 9783662562536.
- Schmadel, Lutz D. (2012). Dictionary of Minor Planet Names. Heidelberg: Springer. ISBN 9783642297175.
- Ward, Jean Elizabeth (2008). The Times of Lady Dai (bằng tiếng Anh). lulu.com. ISBN 9781435732308.
- Watson, Burton (1958). Ssu-ma Ch'ien: Grand Historian of China [Tư Mã Thiên: Nhà sử học lớn của Trung Quốc]. New York, NY: Columbia University Press.
- Wilkinson, Endymion (2013). Chinese History: A New Manual. Harvard-Yenching Institute Monograph Series 84. Cambridge, MA: Harvard-Yenching Institute; Harvard University Asia Center. ISBN 9780674067158.
- Wolf, Ken (1998). Personalities and Problems: Interpretive Essays in World Civilizations (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). McGraw-Hill. ISBN 9780070713482.
- Woolf, D.R. (2014). A Global Encyclopedia of Historical Writing [Bách khoa toàn thư về ghi chép sử]. Routledge. ISBN 9781134819980.
- Крюков, М. В. (2001). Вяткин, Р. В. (biên tập). Сыма Цянь и его «Исторические записки» [Tư Mã Thiên và tác phẩm Sử ký] (PDF). Исторические записки (Ши цзи). Т. I. [Sử ký] (bằng tiếng Nga). Таскин, B. C. biên dịch (ấn bản thứ 2). Nhà xuất bản Văn học phương Đông. ISBN 978-5020182646. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2021.
- Ban biên soạn Từ điển (1991). 二十五史导读辞典 [Từ điển giới thiệu Nhị thập ngũ sử đạo đ]. Nhà xuất bản Hoa Linh. ISBN 9787800821189.
- Cát Xuân (1989). 司马迁年谱新编 [Tư Mã Thiên niên phổ tân biên] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Tam Tần. ISBN 9787805461601.
- Cố Dịch Sinh (2002). 顾易生文史论集 [Cố Dịch Sinh văn sử luận tập]. Nhà xuất bản Đại học Phục Đán. ISBN 9787309030983.
- Cù Lâm Đông (2017). 中华史学志 [Ghi chép sử học Trung Hoa]. Beijing Book Co. Inc. ISBN 9787303215379.
- Diêu Đan (2006). 中国文学 [Văn học Trung Quốc]. Nhà xuất bản Trung Tín. ISBN 9787508509730.
- Du Chương Hoa (2005). Trương Đại Khả; An Bình Thu (biên tập). 史記研究集成: 史记人物与事件 [Nghiên cứu Sử ký tổng hợp: Nhân vật và sự kiện] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản tiếng Hoa. ISBN 9787507515657.
- Du Chương Hoa (2005). Trương Đại Khả; An Bình Thu (biên tập). 史記研究集成: 司马迁评传 [Nghiên cứu Sử ký tổng hợp: Tư Mã Thiên bình truyện] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản tiếng Hoa. ISBN 9787507515657.
- Dương Dực Tương (1987). 中国史学史资料编年(第一册): 先秦至五代 [Biên niên sử tư liệu lịch sử Trung Quốc (Tập 1): Tiền Tần đến Ngũ đại]. Nhà xuất bản Đại học Nam Khai. OCLC 298952731.
- Đan Truyền Hàng (2020). 《西域丝绸春秋》: 史话西汉丝绸之路 [Tây Vực ti trù Xuân Thu: Con đường tơ lụa thời Tây Hán] (bằng tiếng Trung) (ấn bản thứ 1). Boston Education Academy. ISBN 9780578744872.
- Hứa Bân (2015). 文學史摷微 [Lịch sử Văn học] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Tân Hoa. ISBN 9787516620366.
- Hứa Lăng Vân (1994). 司马迁评传: 史家绝唱, 无韵离骚 [Tư Mã Thiên bình truyện: Sử gia tuyệt xướng, vô vận Ly Tao]. Nhà xuất bản Giáo dục Quảng Tây. ISBN 9787543521681.
- Kha Khánh Minh (2020). 文學美綜論 [Bàn về vẻ đẹp của văn học]. Đài Bắc: Trung tâm xuất bản Đại học Quốc lập Đài Loan. ISBN 9789863504047.
- Khương Phi (2014). 中國文學的真實觀念 [Khái niệm chân thực về văn học Trung Quốc]. Tú Uy tư tấn. ISBN 9789863262855.
- Kỳ Liên Hưu (1989). 中国历代文化名人珍闻录 [Ghi chép của danh nhân văn hóa Trung Quốc qua các triều đại]. Thượng Hải: Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải. ISBN 9787532101061.
- Lữ Bồi Thành; Từ Hưng Hải (1995). Từ Vệ Dân (biên tập). 司马迁与史记论集: 第八辑 [Bàn về Tư Mã Thiên và Sử ký: Tập 8] (bằng tiếng Trung). Thiểm Tây: Nhà xuất bản Nhân dân Thiểm Tây. ISBN 9787224084351.
- Mã Tể Bân; Hạ Tân Huy (1994). 毛泽东诗文词语典故辞典 [Từ điển thơ văn, từ ngữ và điển cố của Mao Trạch Đông]. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Văn hiến Trung ương. ISBN 9787507301649.
- Ngụy Thông Kỳ (2018). 《史記》概說及名篇賞析 [Sử ký: Giới thiệu và đánh giá]. Công ty xuất bản Thư viện Ngũ Nam. ISBN 9789571198194.
- Ninh Nghiệp Cần; Tạ Tú Quỳnh; Vương Nham (2018). 大学语文 [Đại học Ngữ văn] (bằng tiếng Trung). Beijing Book Co. Inc. ISBN 9787308186018.
- Phùng Lôi (1991). 新版毛泽东选集学习辞典 [Phiên bản mới Từ điển nghiên cứu các tác phẩm được chọn lọc của Mao Trạch Đông]. Nhà xuất bản Đại Liên. ISBN 9787805553825.
- Phùng Chí Viễn (2011). 啟發青少年的科學探索故事 [Những câu chuyện khám phá khoa học truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên]. Nhà xuất bản Liêu Hả. ISBN 9787805072821.
- Quách Mạt Nhược (1962). 中國史稿: 封建社会(上) [Trung Quốc sử cảo: Xã hội phong kiến] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Nhân dân. OCLC 867144051.
- Quách Dự Hành (1994). 中國散文简史 [Giản lược lịch sử văn xuôi Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh. ISBN 9787303032907.
- Quý Trấn Hoài (2016). 司马迁 [Tư Mã Thiên]. Beijing Book Co. Inc. ISBN 9787200120813.
- Thi Vĩ Đạt; Chử Cống Sinh (1994). 中国古代十大圣人 [Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc]. Nhà xuất bản Nhân dân An Huy. ISBN 9787212009656.
- Tiễn Niệm Tôn (2008). 中华文学演义 [Trung Hoa văn học diễn nghĩa] (bằng tiếng Trung). 1. Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh. ISBN 9787301131596.
- Tống Diễn Thân (1996). 二十六史精华: 汉书 [Tinh hoa Nhị thập lục sử: Hán thư]. Nhà xuất bản Phụ nữ Nhi đồng. ISBN 9787538510522.
- Tống Liên Tường (2002). 黉天墨韵 [Hoàng Thiên Mặc Vận]. Nhà xuất bản Học Lâm. ISBN 9787806683217.
- Trần Khánh Nguyên (2000). 赋: 时代投影与体制演变 [Phú: Diễn biến thể chế và phản ánh thời đại]. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Quảng Tây. ISBN 9787563329564.
- Trang Dịch Kiệt (2020). 24 Hours in Ancient China: A Day in the Life of the People Who Lived There. 24 Hours in Ancient China. 4. Michael O'Mara Books. ISBN 9781789291230.
- Trịnh Truyền Dần (1998). 中国戏曲文化概论 [Đại cương về văn hóa Hí khúc ở Trung Quốc]. Nhà xuất bản Đại học Vũ Hán. ISBN 9787307025547.
- Trịnh Tuệ Sinh (1998). 星学宝典: 《天官历书》与中国文化 [Tinh học bảo điển: "Thiên quan lịch thư" và văn hóa Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Đại học Hà Nam. ISBN 9787810415095.
- Trình Hưng Ái; Lý Cảnh Minh (2003). 孔子教子 [Khổng Tử dạy con]. Sơn Đông: Nhà xuất bản Hữu nghị Sơn Đông. ISBN 9787806426265.
- Viện nghiên cứu, Đại học Sư phạm Hoa Trung (2001). 中国古代史论集 [Trung Quốc cổ đại sử luận tập]. Đại học Sư phạm Hoa Trung. ISBN 9787562224860.
- Nguyễn Hiến Lê (2018). Sử ký Tư Mã Thiên. Việt Nam: Nhà xuất bản Hồng Đức. ISBN 9786048946661.
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Allen, Joseph Roe (tháng 1 năm 1981). “An Introductory Study of Narrative Structure in the Shi ji”. Chinese Literature: Essays, Articles, Reviews. 3 (1): 31–61. doi:10.2307/495336 – qua JSTOR.
- Allen, Joseph Roe (1994). “The Records of the Historian”. Trong Miller, Barbara Stoler (biên tập). Masterworks of Asian Literature in Comparative Perspective: A Guide for Teaching. Armonk: M.E. Sharpe. tr. 259–271. doi:10.4324/9781315484617. ISBN 9780765631657.
- Beasley, William G.; Pulleyblank, Edwin George (1961). Historians of China and Japan. Historical Writing on the Peoples of Asia. 3. Oxford: Oxford University Press. ISBN 9780197135211.
- Dubs, Homer Hasenpflug (tháng 2 năm 1961). “History and Historians Under the Han”. The Journal of Asian Studies. Association for Asian Studies. 20 (2): 213–218. doi:10.2307/2050485 – qua JSTOR.
- Durrant, Stephen W. (tháng 3 năm 1986). “Self as the Intersection of Traditions: The Autobiographical Writings of Ssu-ma Ch'ien”. Journal of the American Oriental Society. American Oriental Society. 106 (1): 33–40. doi:10.2307/602361 – qua JSTOR.
- Gardner, Charles Sidney (1966). Chinese Traditional Historiography. Harvard historical monographs. 11 (ấn bản thứ 3). Harvard University Press. ISBN 9780674125506. ISSN 0073-0521.
- Hardy, Grant (tháng 2 năm 1994). “Can an Ancient Chinese Historian Contribute to Modern Western Theory? The Multiple Narratives of Ssu-Ma Ch'ien”. History and Theory. Wiley. 33 (1): 20–38. doi:10.2307/2505650 – qua JSTOR.
- Kern, Martin (2003). “The "Biography of Sima Xiangru" and the Question of the Fu in Sima Qian's Shiji”. Journal of the American Oriental Society. American Oriental Society. 123 (2): 303–316. doi:10.2307/3217686 – qua JSTOR.
- Kroll, Jurij L (1976). “Ssu-ma Ch'ien's Literary Theory and Literary Practice”. Altorientalische Forschungen. 4 (JG): 313–325. doi:10.1524/aofo.1976.4.jg.313.
- Lý Huệ Nghi (tháng 12 năm 1994). “The Idea of Authority in the Shih chi (Records of the Historian)”. Harvard Journal of Asiatic Studies. Harvard-Yenching Institute. 54 (2): 345–405. doi:10.2307/2719434 – qua JSTOR.
- Markley, Jonathan (2016). Peace and Peril: Sima Qian's Portrayal of Han-Xiongnu Relations. Silk Road studies. 13. Brepols Publishers. ISBN 9782503530833.
- Moloughney, Brian (1992). “From Biographical History to Historical Biography: a transformation in Chinese historical writing” (PDF). East Asian History. 4 (1): 1–30. ISSN 1036-6008.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Các tác phẩm của Tư Mã Thiên tại Dự án Gutenberg
- Các tác phẩm của hoặc nói về Tư Mã Thiên tại Internet Archive
- Tác phẩm của Tư Mã Thiên tại Open Library
- Tầm quan trọng của Sử ký đối với văn học
- Tư Mã Thiên: Đệ nhất sử gia Trung Hoa, bài viết của Carrie Gracie trên Tạp chí Tin tức BBC, ngày 7 tháng 10 năm 2012
- Tư Mã Thiên (Nhà sử học, khoa học Trung Quốc) tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)