Slender Man
Slender Man | |
---|---|
Chân dung mô tả về Slender Man | |
Xuất hiện lần đầu | bài đăng trên trang web Something Awful vào ngày 10 tháng 6 năm 2009 |
Sáng tạo bởi | Eric Knudsen |
Diễn xuất bởi | |
Thông tin | |
Giống loài | Không rõ |
Giới tính | Nam |
Slender Man (cũng được gọi là Slenderman) là một nhân vật siêu nhiên hư cấu bắt nguồn từ một meme Internet về creepypasta do người dùng Eric Knudsen (còn được biết với biệt danh là "Victor Surge") tạo ra vào năm 2009 trên diễn đàn Something Awful.[1] Nó được mô tả là một người có hình dáng cao, gầy bất thường với cái đầu và khuôn mặt nhẵn nhụi, mặc bộ com lê màu đen.
Trong những câu chuyện, Slender Man thường được kể là một kẻ rình rập, bắt cóc hoặc khiến con người đau đớn, đặc biệt là trẻ em.[2] Slender Man không chỉ gói gọn trong một câu chuyện đơn lẻ mà còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm hư cấu tạp nham, điển hình là sáng tác trực tuyến.[3][4] Những tác phẩm hư cấu liên quan đến Slender Man bao gồm nhiều phương tiện truyền thông, có thể kể đến là văn viết, nghệ thuật, và loạt video như Marble Hornets (2009–2014), nơi nó được biết đến với tên gọi là The Operator. Nhân vật này còn xuất hiện trong trò chơi điện tử Slender: The Eight Pages (2012) và phần nối tiếp Slender: The Arrival (2013), đồng thời là nguồn cảm hứng cho tạo hình nhân vật Enderman trong Minecraft. Nó cũng có sự hiện diện trong bộ phim chuyển thể năm 2015 từ loạt video Marble Hornets, người đóng vai nó là Doug Jones. Trong bộ phim chuyển thể cùng tên năm 2018, vai diễn của nó đã được Javier Botet thể hiện.
Đầu năm 2014 xảy ra nỗi lo ngại về đạo đức liên quan đến Slender Man, chuyện là một số độc giả của tác phẩm hư cấu viết về nó có dính líu đến những hành vi bạo lực, điển hình là vụ án đâm bé gái 12 tuổi đến suýt chết ở Waukesha, Wisconsin.[5] Vụ đâm người này đã khơi nguồn cho bộ phim tài liệu Beware the Slenderman phát hành năm 2016.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Khái niệm Slender Man xuất hiện lần đầu vào ngày 10 tháng 6 năm 2009, trên một chủ đề (thread) của diễn đàn Internet Something Awful.[6][7] Chủ đề này là một cuộc thi photoshop mà nội dung tranh tài là "tạo ra những hình ảnh siêu thường".[8][9] Người đăng bài lên diễn đàn là Eric Knudsen (biệt hiệu: "Victor Surge")[10] đã đóng góp 2 bức ảnh đen trắng thể hiện một nhóm trẻ em mà trong đó có chèn thêm hình bóng người đàn ông hình bóng cao, gầy, mặc bộ com lê đen.[11][12] Ban đầu thì bài đăng của Knudsen chỉ bao gồm những bức ảnh, sau đó anh bổ sung thêm vào bài vài đoạn tóm tắt — giả sử là từ các nhân chứng — mô tả về vụ bắt cóc nhiều trẻ em và đặt tên cho nhân vật là "The Slender Man":
Bức ảnh đầu tiên có trích dẫn là:
Chúng ta không muốn làm đâu, chúng ta không muốn giết chúng, nhưng cái sự im lặng kéo dài này và những cánh tay dang rộng ra vừa khiến chúng ta cảm thấy kinh tởm, vừa khiến chúng ta cảm thấy vỗ về.
— 1983, nhiếp ảnh gia không rõ danh tính, đoán chừng là đã chết rồi.[12]
Nội dung của đoạn trích thứ hai là:
Một trong hai bức ảnh khôi phục từ Thư viện Thành phố Stirling bị bốc cháy. Đáng chú ý là nó được lấy vào ngày mà 14 đứa trẻ mất tích và vì cái thứ được gọi là "The Slender Man". Tình trạng méo mó của bức hình được các quan chức cho là lỗi phim chụp ảnh. Một tuần sau đó thư viện có xảy ra hỏa hoạn. Hình ảnh trên thực tế đã bị tịch thu làm bằng chứng.
— 1986, nhiếp ảnh gia: Mary Thomas, mất tích ngày 13 tháng 6 năm 1986.[12]
Sự thêm thắt tình tiết này khiến cho những bức ảnh thật sự trở thành tác phẩm hư cấu. Những người đăng bài tiếp theo cũng tham gia bổ sung thông tin cho nhân vật, đóng góp thêm quan điểm hoặc đoạn văn của riêng họ.[11][12]
Cảm hứng để Knudsen sáng tạo ra Slender Man chủ yếu được lấy từ "That Insidious Beast" của Zack Parsons, The Mist của Stephen King, báo cáo về người bóng, Mothman và Mad Gasser ở Matoon.[13] Những nguồn cảm hứng khác cho Slender Man bao gồm Tall Man trong bộ phim Phantasm (1979),[14] H. P. Lovecraft, tác phấm siêu thực của William S. Burroughs, trò chơi video kinh dị sinh tồn Silent Hill và Resident Evil.[15] Ý định của Knudsen là "tạo ra một thứ mà động cơ của chúng là cái gì đó không thể nắm bắt được, và [chính sự khó hiểu này khiến] dân cư nói chung cảm thấy khó chịu và kinh hoàng."[16] Trước Slender Man cũng có những sinh vật hư cấu hoặc sinh vật huyền thoại tương tự khác như: Gentlemen, một nhóm ác quỷ mặc bộ com lê đen, khuôn mặt xanh xao, đầu hói trong tập phim "Hush" của series Buffy the Vampire Slayer; Người áo đen, nhiều bản báo cáo cho rằng họ có vẻ bề ngoài kỳ lạ, bí ẩn một cách khó lý giải, với kiểu đi đứng không tự nhiên và có nét "phương Đông"; và Question, một siêu anh hùng DC Comics với khuôn mặt nhẵn nhụi, có danh tính bí mật là "Victor Sage", tên gọi này giống với bí danh "Victor Surge" của Knudsen.[14]
Trong cuốn sách Folklore, Horror Stories, and the Slender Man: The Development of an Internet Mythology, Giáo sư Shira Chess của Đại học Georgia đã liên hệ Slender Man với nàng tiên trong văn hóa dân gian cổ đại phương Tây. Tương tự như tiên nữ, Slender Man cũng thuộc về cõi khác, động cơ của nó thường khó nắm bắt, ngoại hình thì rất mơ hồ và thường biến đổi để phản ánh những gì người xem muốn nhìn thấy hoặc khiến người xem sợ hãi. Nó còn giống tiên nữ ở chỗ thường coi rừng hoặc nơi hoang dã là nhà và hay bắt cóc trẻ em.[14]
Bước phát triển ban đầu
[sửa | sửa mã nguồn]Slender Man nhanh chóng trở thành hiện tượng lan truyền,[17] với nhiều tác phẩm fanart, cosplay, và tiểu thuyết trực tuyến dạng "creepypasta" được tạo ra. Creepypasta là dạng câu chuyện kinh dị được kể bằng những đoạn văn ngắn, có thể dễ dàng sao chép rải rác từ trang web này sang trang web khác. Ngay cả khi tác giả gốc không còn mặn mà gì với nó, Slender Man vẫn trở thành đề tài trong vô số câu chuyện của nhiều tác giả bên trong một mythos[a] bao quát.[3]
Nhiều khía cạnh của mythos Slender Man xuất hiện lần đầu trên chủ đề gốc của Something Awful. Một trong những bổ sung sớm nhất cho mythos là do người dùng diễn đàn tên là "Thoreau-Up" thực hiện. Tài khoản này tạo ra một câu chuyện dân gian lấy bối cảnh ở nước Đức thế kỷ 16, xoay quanh nhân vật tên là Der Groẞman, được ngụ ý là viện dẫn ban đầu liên quan đến Slender Man.[14]:36 Loạt video đầu tiên dính dáng tới Slender rộ lên từ một bài đăng của người dùng "ce gars" trên chủ đề Something Awful. Video kể về một người bạn học hư cấu tên là Alex Kralie, cậu tình cờ vướng vào một điều gì đó phiền toái khi thực hiện dự án phim thời lượng dài đầu tiên của mình với tựa là Marble Hornets. Series video được công bố theo kiểu found footage trên YouTube, tạo thành một trò chơi alternate reality[b] (ARG) mô tả trải nghiệm hư cấu của người làm phim với Slender Man. Trò chơi alternate reality cũng tích hợp một bảng tin (feed) Twitter và một kênh YouTube thay thế do người dùng tên là "totheark" tạo ra.[2][18] Tính đến năm 2013, Marble Hornets đã có hơn 250.000 người đăng ký trên khắp thế giới và nhận được 55 triệu lượt xem.[19] Nối tiếp là một chuỗi video YouTube khác lấy chủ đề Slender Man, bao gồm EverymanHYBRID và TribeTwelve.[2]
Năm 2012, Slender Man được chuyển thể thành trò chơi điện tử với tựa đề Slender: The Eight Pages. Trong tháng đầu tiên phát hành, game đã được tải xuống hơn 2 triệu lần.[20] Trò chơi còn có nhiều biến thể tiếp theo bao gồm Slenderman's Shadow[21] và Slender Man cho iOS, mà vào thời điểm đó nó trở thành ứng dụng tải xuống phổ biến thứ 2.[22] Phần nối tiếp Slender: The Eight Pages là Slender: The Arrival được phát hành vào năm 2013.[23] Một số bộ phim độc lập về Slender Man đã được phát hành hoặc đang trong quá trình phát triển, có thể kể đến là Entity[24] và The Slender Man. The Slender Man là bộ phim phát hành trực tuyến miễn phí sau khi gây quỹ được 10,000 đô la Mỹ từ chiến dịch Kickstarter.[25] Năm 2013 có thông báo rằng Marble Hornets sẽ trở thành một bộ phim thời lượng dài hoàn chỉnh.[19]
Ngoại quan
[sửa | sửa mã nguồn]Bởi vì Slender Man là "thần thoại" giả tưởng tự phát mà không có "tiêu chuẩn" chính thức nào để tham chiếu nên ngoại hình, động cơ, thói quen, và khả năng của nó không cố định mà thay đổi tùy thuộc vào người kể chuyện.[26] Slender Man thường được mô tả là rất cao và gầy với cánh tay dài một cách bất thường, giống như xúc tu (hoặc chỉ đơn thuần là xúc tu) mà nó có thể vươn dài ra để hăm dọa hoặc bắt con mồi. Trong hầu hết các câu chuyện, khuôn mặt của nó trắng bệch và nhẵn nhụi, nhưng đôi khi có thể xuất hiện một cách khác biệt trước bất kỳ ai chứng kiến nó.[26] Nó thường mặc một bộ com lê màu đen và đeo cà vạt. Slender Man thường gắn liền với rừng và/hoặc các địa điểm bỏ hoang, có khả năng dịch chuyển tức thời.[27][28] Tiếp xúc gần với Slender Man thường được cho là nguyên nhân mắc "bệnh Slender". Triệu chứng của bệnh là sự khởi phát nhanh chóng của chứng paranoia, ác mộng và hoang tưởng kèm theo chảy máu cam.[29]
Những câu chuyện ban đầu thường mô tả mục tiêu của nó là trẻ em hoặc thanh niên. Một số thì kể về việc thanh niên trở nên điên loạn và bị nó điều khiển, trong khi một số khác thì không, và cũng có vài câu chuyện cho rằng việc điều tra Slender Man sẽ thu hút sự chú ý của nó.[14] Loạt video Marble Hornets thiết lập nên ý tưởng về proxy (tức là những con người bị kiểm soát bởi ảnh hưởng của Slender Man) mặc dù ý tưởng gốc chỉ đơn giản là họ trở nên điên cuồng, chứ không phải là con rối của Slender Man. Marble Hornets cũng khởi xướng ý tưởng rằng Slender Man có thể can thiệp vào các bản ghi video và ghi âm, cũng như "biểu tượng Slender Man", ⦻, đã trở thành dụ pháp phổ biến trong tác phẩm hư cấu về Slender Man.[14] Hình ảnh bạo lực và kinh dị về cơ thể hiếm khi bắt gặp mythos Slender Man, vì nhiều lối kể chuyện thường cố tình để cho số phận của nạn nhân mãi mãi là bí ẩn không một ai biết đến.[14] Shira Chess lưu ý rằng "Điều quan trọng cần phải lưu ý rằng có vài bản kể lại xác định chính xác Slender Man có thể là loại quái vật nào, và động cơ của nó ra sao- những điểm này đáng ra cần phải giữ bí mật và để cho chúng mơ hồ một cách có chủ ý."[26]
Lý giải về sự nổi tiếng
[sửa | sửa mã nguồn]Học giả truyền thông kiêm nhà văn hóa dân gian Andrew Peck cho rằng Slender Man thành công là do tính cộng tác cao của nó. Bởi vì đặc điểm và động cơ của nó bị chôn vùi trong bí ẩn nên người dùng có thể sửa lại dụ pháp và hình tượng Slender Man theo ý thích để tạo ra những câu chuyện mới. Khả năng này cho phép người dùng khai thác ý tưởng từ người khác nhưng cũng đồng thời cung cấp ý tưởng cho riêng họ. Điều này đã truyền cảm hứng cho văn hóa cộng tác nổi lên quanh nhân vật Slender Man. Thay vì chỉ ban đặc quyền lựa chọn cho một số người sáng tạo nhất định như là quy tắc tiêu chuẩn thì văn hóa cộng tác này xác định quyền sở hữu sinh vật thuộc về cả cộng đồng một cách không chính thức. Xét về những khía cạnh này thì Slender Man không khác gì những câu chuyện kể lúc đốt lửa trại hoặc truyền thuyết đô thị. Nhân vật này thành công là nhờ tính tương tác với xã hội và cho phép cá nhân thể hiện hành động sáng tạo.[30]
Mặc dù hầu hết người dùng đều biết rằng Slender Man không có thật, họ vẫn gạt bỏ sự hoài nghi đó sang một bên để đắm chìm vào việc kể chuyện hoặc nghe kể.[31] Điều này tạo nên cảm giác chân thực cho câu chuyện kể về truyền thuyết Slender Man, xóa mờ đi ranh giới giữa truyền thuyết và thực tế, giữ cho sinh vật này như một đối tượng của phép biện chứng về truyền thuyết.[32] Sự nhập nhằng này đã dẫn đến sự nhầm lẫn về nguồn gốc và mục đích của nhân vật. Chỉ 5 tháng sau khi nhân vật được sáng tạo ra, chương trình radio talk show chuyên về những hiện tượng siêu thường và thuyết âm mưu là Coast to Coast AM của George Noory bắt đầu nhận những cuộc gọi hỏi về Slender Man.[33] Hai năm sau, có một bài báo trên tờ Minneapolis Star Tribune mô tả nguồn gốc của nó là "khó để chỉ ra một cách chính xác".[26] Eric Knudsen bình luận rằng có nhiều người hiểu Slender Man là sinh vật được tạo ra trên các diễn đàn Something Awful nhưng họ vẫn cứ đinh ninh là nó có thật.[27]
Shira Chess mô tả Slender Man là phép ẩn dụ cho "sự bơ vơ không nơi nương tựa, sự chênh lệch quyền lực, và thế lực vô danh."[26] Peck nhìn ra sự tương đồng giữa Slender Man với những lo âu thường gặp trong thời đại kỹ thuật số, chẳng hạn như cảm giác kết nối liên tục, không ngừng nghỉ và sự giám sát của bên thứ 3 không xác định.[30] Tương tự như vậy, cây bút của tờ The Elm là Tye Van Horn ám chỉ rằng Slender Man đại diện cho nỗi sợ thời hiện đại về những điều không ai biết đến. Trong thời đại tràn ngập thông tin, mọi người đã không còn quen thuộc với sự thiếu hiểu biết đến mức họ sợ hãi những gì họ không thể hiểu nổi.[34] Người tạo ra Marble Hornets là Troy Wagner cho rằng Slender Man kinh hoàng là do tính thiên biến vạn hóa của nó. Mọi người có thể định hình nó thành bất cứ hình thù gì khiến họ khiếp sợ nhất.[27]
Vụ đâm người ở Waukesha
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 31 tháng 5 năm 2014, hai nữ sinh 12 tuổi ở Waukesha, Wisconsin là Morgan Geyser và Anissa Weier đã bắt giữ một người bạn học nữ và đâm nạn nhân 19 nhát. Khi nhà chức trách thẩm vấn về động cơ gây án, hai nữ sinh trả lời rằng chúng định thực hiện vụ giết người như là bước đầu tiên để trở thành proxy của Slender Man sau khi đọc về nó trên mạng.[5] Chúng cũng thú nhận rằng chúng sợ Slender Man sẽ giết gia đình chúng nếu chúng không thực hiện vụ án mạng.[35] Nạn nhân vẫn còn sống sót để bò ra khỏi rừng cây chui ra ngoài lòng đường sau khi hung thủ rời khỏi hiện trường. Một người lái xe đạp đi ngang qua vô tình phát hiện và báo cho nhà chức trách, và nạn nhân đã sống sót sau vụ tấn công. Cả hai kẻ tấn công đều được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần[36] nhưng cuối cùng cũng bị buộc tội khi trưởng thành và mỗi người phải đối mặt với mức án 65 năm tù.[37] Geyser nói rằng Slender Man rình mò cô, nó có thể đọc tâm trí, và dịch chuyển tức thời.[5]
Các chuyên gia làm chứng trước tòa rằng Geyser đã thú nhận là từng trò chuyện với Chúa tể Voldermort và một trong những Ninja Rùa. Ngày 1 tháng 8 năm 2014, cô được kết luận là không đủ thẩm quyền để hầu tòa và việc truy tố bị đình chỉ cho đến khi tình trạng của cô được cải thiện.[38] Ngày 19 tháng 12 năm 2014, thẩm phán ra phán quyết rằng cả hai hung thủ, bao gồm Geyser và Weier đều đủ thẩm quyền để ra hầu tòa.[39] Tháng 8 năm 2015, thẩm phán chủ tọa ra phán quyết rằng cả hai cô sẽ bị xét xử khi đủ tuổi trưởng thành.[40] Họ đều được xét xử riêng.[41] Ngày 21 tháng 8 năm 2017, Weier, lúc đó 15 tuổi, thừa nhận là đã cố thực hiện hành vi giết người cấp độ 2, nhưng khẳng định rằng cô không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình vì lý do cô bị điên.[42] Mặc dù công tố viên cáo buộc rằng cô nhận thức rõ những gì mình làm là sai, nhưng bồi thẩm đoàn xác định rằng cô bị tâm thần trong vụ tấn công.[43][44] Cô sẽ phải dành ít nhất 3 năm trong bệnh viện tâm thần. Ngày 21 tháng 12 năm 2017, Thẩm phán Michael Bohren của Tòa Thượng thẩm Quận Waukesha đã tuyên án Weier, khi đó 16 tuổi, là phải nhập viện trong vòng 25 năm kể từ ngày phạm tội, điều này cũng đồng nghĩa với việc cô bị quản thúc cho đến năm 37 tuổi.[45]
Trong một phát biểu trước truyền thông vào ngày 4 tháng 6 năm 2014, Eric Knudsen nói "Tôi vô cùng đau buồn trước thảm kịch ở Wisconsin và trái tim tôi hướng về gia đình của những người bị ám ảnh bởi hành động kinh khủng này." Anh cũng nói rằng anh sẽ không trả lời phỏng vấn về vấn đề này.[46]
Vào ngày 25 tháng 9 năm 2017, có nguồn tin thông báo rằng Morgan Geyser, khi đó 15 tuổi, đã thừa nhận tội cố thực hiện hành vi giết người cấp độ 1 theo một thỏa thuận giúp cô tránh được khoảng thời gian phải ngồi tù. Theo điều khoản thỏa thuận, Geyser sẽ ở lại bệnh viện tâm thần nơi cô đang điều trị trong 2 năm qua thêm ít nhất 3 năm nữa.[47] Ngày 1 tháng 2 năm 2018, hãng thông tấn Associated Press đưa tin Geyser đã bị tuyên án 40 năm trong bệnh viện tâm thần Wisconsin, đó là mức án tối đa cho phép.[48]
Lo ngại về đạo đức và những vụ việc liên quan
[sửa | sửa mã nguồn]Vụ đâm người ở Waukesha làm dấy lên nỗi lo ngại về đạo đức trên toàn Hoa Kỳ đối với Slender Man.[49][50] Các bậc phụ huynh trên toàn quốc trở nên lo lắng về nhiều nguy hiểm tiềm ẩn mà những câu chuyện về Slender Man có thể gây ra cho sự an toàn của con họ.[49][50] Cảnh sát trưởng quận Waukesha là Russell Jack cảnh báo rằng vụ đâm người Slender Man "nên là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha làm mẹ" rằng "Internet đầy rẫy những thứ đen tối và xấu xa" — cảnh báo này được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải.[49]
Sau khi nghe về vụ đâm người, một phụ nữ không rõ danh tính ở Cincinnati, Ohio, đã kể cho phóng viên kênh truyền hình WLWT vào tháng 6 năm 2014 rằng con gái 13 tuổi của cô đã tấn công cô bằng dao. Được biết là cô bé này từng viết những câu chuyện hư cấu rùng rợn và một trong số đó có liên quan đến Slender Man, mà người mẹ cho rằng đó là động cơ của vụ tấn công.[51]
Ngày 4 tháng 9 năm 2014, một cô gái 14 tuổi ở Port Richey, Florida, được cho là đã phóng hỏa ngôi nhà của gia đình cô khi mẹ cô và em trai 9 tuổi đang ở trong nhà. Cảnh sát báo cáo rằng thiếu niên này từng đọc những câu chuyện trực tuyến về Slender Man cũng như manga Soul Eater của Ōkubo Atsushi.[52] Eddie Daniels thuộc Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Pasco cho biết cô gái "đã truy cập trang web chứa nhiều thông tin và câu chuyện về Slender Man [...] Có lẽ không sai khi nói rằng có một mối liên hệ với điều đó."[53]
Bộ phim tài liệu về vụ đâm người với tựa đề Beware the Slenderman do Irene Taylor Brodsky làm đạo diễn được HBO Films phát hành vào tháng 3 năm 2016 và phát sóng trên HBO vào ngày 23 tháng 1 năm 2017.[54]
Sau vụ đâm người ở Waukesha
[sửa | sửa mã nguồn]Vụ đâm người ở Waukesha và sự chú ý tiêu cực từ phương tiện truyền thông đã tạo ra sự thay đổi không thể đảo ngược của truyền thuyết Slender Man và cộng đồng mạng xoay quanh nó.[49][50] Trước đó, nó chỉ đơn thuần là meme kinh dị rùng rợn đối với hầu hết tất cả mọi người thì giờ đây, nó bỗng nhiên đạt đến độ thực tế mới mà hầu hết các fan của Slender Man đều cảm thấy kinh hoàng.[49][50] Cũng trong khoảng thời gian đó, Slender Man mất đi phần lớn sự nổi tiếng ban đầu của nó.[49][50] Hầu như các blog ban đầu từng dành cho Slender Man đều ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc trở nên ít phổ biến hơn.[49] Sự hiện diện của Slender Man trong nền văn hóa đại chúng dòng chính cũng góp phần khiến nó trở nên bớt đáng sợ hơn đối với nhiều người.[49][50]
Cuối thập niên 2010 cũng chứng kiến sự gia tăng của những chân dung nhân từ về Slender Man. Nhiều mô tả về Slender Man trong giai đoạn này khắc họa nó như một phản anh hùng chuyên bảo vệ trẻ em khỏi những vụ bắt nạt, mặc dù cách thức của nó thường mang tính bạo lực.[50] Trong một vài miêu tả về Slender Man từ cuối thập niên 2010, nó có một cô con gái tên là Skinny Sally, người được khắc họa là một cô bé đầy những vết cắt và vết bầm tím.[50] Slender Man đôi khi được mô tả là cõng Skinny Sally trên vai để bảo vệ cô.[50] Giáo sư trợ lý chuyên ngành văn hóa dân gian của Đại học Bang Utah là Lynn McNeill nhận xét rằng sự gia tăng của những bức chân dung nhân từ về Slender Man dường như nổi lên không lâu sau vụ đâm người ở Waukesha. Ông nói thêm rằng xu hướng hướng tới một Slender Man nhân từ có thể là cách mà cộng đồng người hâm mộ phản ứng đối với tính chất bạo lực của vụ đâm người.[50]
Mặc dù sự quan tâm của công chúng đối với Slender Man suy giảm nhưng chuyển thể thương mại về nhân vật này vẫn tiếp diễn.[49][50] Năm 2015, bộ phim chuyển thể từ Marble Hornets có tựa đề là Always Watching: A Marble Hornets Story được phát hành trên nền tảng VOD, diễn viên đóng vai Slender Man là Doug Jones.[55] Năm 2016, công ty con của Sony Pictures là Screen Gems hợp tác với Mythology Entertainment để đưa bộ phim Slender Man ra rạp, nhân vật cùng tên với tiêu đề là do Javier Botet thể hiện.[56]
Slender Man gây ra nhiều tranh cãi sau khi được công chiếu, nhiều người cáo buộc rằng các nhà làm phim đang cố lợi dụng vụ đâm người ở Waukesha.[50] Bill Weier, cha của Anissa Weier tuyên bố "Thật vô lý khi họ muốn làm bộ phim như thế này... Tất cả những gì chúng tôi đang trải qua là nỗi đau kéo dài mà cả 3 gia đình đã gánh chịu."[50] Nhóm vận động cấp tiến Care2 tạo ra một bản kiến nghị trực tuyến thu thập hơn 19.000 chữ ký yêu cầu bộ phim không được phát hành, gắn cho bộ phim cái mác là "chiêu trò thương mại thô thiển nhất" và "vụ cướp tiền trắng trợn dựa trên việc khai thác một sự kiện tổn thương tâm lý sâu sắc và những người đã sống chung với nó."[50] Đại diện của Sony khẳng định bộ phim dựa trên nhân vật hư cấu đã trở nên phổ biến trên mạng chứ không phải về vụ đâm người ở Waukesha.[50]
Sau khi phát hành vào tháng 8 năm 2018, bộ phim Slender Man mặc dù được công bố là bom xịt phòng vé,[49] đón nhận ít đánh giá tích cực và thu về hàng đống phản hồi tiêu cực từ các nhà phê bình,[49][57][58] nhưng vẫn thu lời gấp nhiều lần so với ngân sách 10 triệu đô la trên toàn cầu.[59] David Ehrlich của IndieWire chấm cho bộ phim điểm D, viết rằng "một bộ phim nhạt nhẽo và không có sự xào nấu kỹ càng từ một creepypasta đã trở nên cũ rích nhất nhì Internet. Slender Man có tham vọng trở thành cái gì đó trong kỷ nguyên YouTube giống như cách mà The Ring từng khiến cho thế hệ xem VHS phải há hốc mồm. Nhưng... có một điểm khác biệt trọng yếu khiến 2 bộ phim này không ngồi chung mâm: đó là The Ring thì hay, còn Slender Man thì dở tệ."[60] Carli Velocci viết trên The Verge rằng phim Slender Man là "dấu chấm hết cho một fandom sắp tàn".[49]
Đặc điểm văn hóa dân gian
[sửa | sửa mã nguồn]Một số học giả lập luận rằng mặc dù Slender Man xuất phát điểm là một tác phẩm hư cấu có thể xác định được nhưng vẫn có thể xem nó như đại diện cho văn hóa dân gian của thời đại kỹ thuật số. Shira Chess lập luận rằng Slender Man là ví dụ điển hình cho sự tương đồng giữa văn hóa dân gian truyền thống với ethos[c] có tính nguồn mở trên Internet. Không giống như ma sói, mythos của Slender Man có thể truy tìm ra và định hướng phát triển cho nó. Điều này thể hiện một cái nhìn sâu sắc về cách mà thần thoại và văn hóa dân gian hình thành.[11] Chess xác định 3 khía cạnh của mythos Slender Man có liên kết với văn hóa dân gian: tính tập thể (nghĩa là nó được tập thể tạo ra chứ không phải bởi riêng 1 cá nhân), tính dị bản (nghĩa là câu chuyện thay đổi tùy thuộc vào người kể), và tính diễn xướng (nghĩa là người kể chuyện có thể thay đổi cách tường thuật để đáp ứng nhu cầu của cử tọa).[14]
Bản quyền
[sửa | sửa mã nguồn]Mặc dù có những đặc điểm của văn hóa dân gian nhưng Slender Man không thuộc phạm vi công cộng. Một số dự án kinh doanh vì lợi nhuận liên quan đến Slender Man đều thừa nhận một cách rõ ràng rằng Knudsen là người tạo ra nhân vật này, mặt khác cũng có một số dự án khác bị cấm phân phối (bao gồm cả bộ phim gây quỹ được từ Kickstarter) sau khi bị Knudsen và các nguồn khác khiếu nại pháp lý. Mặc dù bản thân Knudsen cũng được hưởng phước từ một số dự án liên quan đến Slender Man, nhưng vấn đề rất phức tạp bởi thực tế rằng trong khi anh là người sáng tạo ra nhân vật, thì bên thứ ba mua quyền chọn[d] có quyền cho phép anh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông (bao gồm phim điện ảnh và truyền hình) hay không. Danh tính của người mua quyền chọn này sẽ không được công khai.[10] Bản thân Knudsen lập luận rằng anh muốn thực thi quyền tác giả là vì sự chính trực trong nghệ thuật hơn là vì tiền: "Tôi chỉ muốn một thứ gì đó tuyệt vời xuất hiện, sau đó rồi thôi... một thứ gì đó đáng sợ, huyên náo, có chút gì đó khác biệt. Tôi ghét việc một thứ gì đó trở nên công khai, đáng lý ra nó chỉ nên dừng lại ở mức bình thường."[33] Kể từ tháng 5 năm 2016, bản quyền truyền thông của Slender Man đã được bán cho công ty sản xuất Mythology Entertainment.[56]
Đề cập trong các phương tiện truyền thông khác
[sửa | sửa mã nguồn]- Năm 2011, người tạo ra trò chơi độc lập sandbox Minecraft là Markus "Notch" Persson đã thêm một mob đối thủ mới vào trò chơi, mà ông đặt tên là "Enderman". Nhiều người dùng trên Reddit và Google+ bình luận là nó giống như Slender Man.[61]
- Slender Man là nhân vật phản diện trong tập phim "SubterrFaenean" của chương trình truyền hình Lost Girl mùa 3, trong đó Slender Man được cho là nền móng của huyền thoại Pied Piper.[62][63]
- Trong tập "Pinkie Apple Pie" năm 2014 của chương trình truyền hình My Little Pony: Friendship Is Magic, phiên bản ngựa của Slender Man đã xuất hiện với tư cách là vai diễn khách mời ngắn.[64]
- Chương trình truyền hình Supernatural đã nhại lại Slender Man thành "Thinman" trong tập cùng tên của mùa 9.[65]
- Mùa thứ 16 của chương trình truyền hình tội phạm Law & Order: Special Victims Unit có tập "Glasgowman's Wrath" lấy cảm hứng từ vụ đâm người Slender Man.[66]
- Board game Kingdom Death: Monster có một gói mở rộng dựa trên nhân vật Slender Man.[67]
- Trò chơi nhập vai trực tuyến AdventureQuest Worlds có nhiều bộ giáp và vật nuôi dựa trên Slender Man.[68]
- Slender Man xuất hiện trong tập "The Planned Parenthood Show" của sitcom hoạt hình Big Mouth.[69]
- Slender Man được nhân vật Ben Chang đề cập đến trong tập phim "Ladders" của sitcom truyền hình Community.[70]
- Peter Griffin khẳng định rằng các cô gái đã nghĩ ông là Slender Man sau khi ông trở nên cao lớn trong tập "Boys & Squirrels" của sitcom hoạt hình Family Guy.
- Trong bộ phim Kẻ săn mồi đáy biển (2020), Paul Abel (do T.J. Miller thủ vai) đã bình luận sau khi nhìn thấy một trong những con quái vật rằng "Có thứ gì đó ở sau lưng. Một vài thứ kiểu Slender Man khốn kiếp."[e]
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Mythos là một câu chuyện hoặc tập hợp các câu chuyện có liên quan chứa đựng chân lý hoặc ý nghĩa quan trọng đối với một nền văn hóa, tôn giáo, xã hội cụ thể hoặc tổ chức khác.
- ^ Trò chơi alternate reality là một dạng trò chơi tường thuật theo kiểu mạng lưới tương tác, lấy thế giới thực làm nền tảng và sử dụng lối kể chuyện đa phương tiện. Tùy vào ý tưởng hoặc hành động của người chơi mà câu chuyện có thể đi đến nhiều kết thúc khác nhau.
- ^ Ethos là "nhân vật" được sử dụng để diễn tả niềm tin hoặc lý tưởng tiêu biểu cho một cộng đồng, quốc gia, hoặc hệ tư tưởng.
- ^ Hợp đồng quyền chọn là hợp đồng cho phép người mua quyền chọn có quyền yêu cầu người bán quyền chọn có nghĩa vụ thực hiện quyền chọn theo ý mình.
- ^ Nguyên văn: "There's something back there. Some Slender Man-type shit."
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Dewey, Caitlin; Dewey, Caitlin (ngày 3 tháng 6 năm 2014). “The complete history of 'Slender Man,' the meme that compelled two girls to stab a friend”. The Washington Post (bằng tiếng Anh). ISSN 0190-8286. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
- ^ a b c De Vos, Gail Arlene (2012). What Happens Next?. ABC-CLIO. tr. 162. ISBN 9781598846348. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2016.
- ^ a b Romano, Aja (ngày 31 tháng 10 năm 2012). “The Definitive Guide to Creepypasta—The Internet's Urban Legends”. The Daily Dot. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2013.
- ^ Sagliani, Devan (ngày 14 tháng 7 năm 2014). “Slender Man: Birth of an Urban Legend”. The Escapist. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
- ^ a b c Gabler, Ellen (ngày 2 tháng 6 năm 2014). “Charges detail Waukesha pre-teens' attempt to kill classmate”. Milwaukee Journal Sentinel. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Slender Man: How a myth was born”. Tampa Bay Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
- ^ “What is Slenderman, and what does it have to do with the Wisc. stabbing?”. NY Daily News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2017.
- ^ Smith, Cathay (ngày 6 tháng 3 năm 2017). “Beware the Slender Man: Intellectual Property and Internet Folklore”. Florida Law Review (bằng tiếng Anh). 70 (1): 10. doi:10.2139/ssrn.3005668. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2019.
- ^ User: Gerogerigegege (ngày 30 tháng 4 năm 2009). “Create Paranormal Images - The Something Awful Forums”. forums.somethingawful.com (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2018.
- ^ a b Klee, Miles (ngày 21 tháng 8 năm 2013). “How the Internet's creepiest meme mutated from thought experiment to Hollywood blockbuster”. The Daily Dot. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2013.
- ^ a b c Chess, Shira (2012). “Open-Sourcing Horror: The Slender Man, Marble Hornets, and genre negotiations”. Information, Communication & Society. 15 (3): 374–393. doi:10.1080/1369118X.2011.642889. S2CID 143297005.
- ^ a b c d Dane, Patrick (ngày 31 tháng 10 năm 2012). “Why Slenderman Works: The Internet Meme That Proves Our Need To Believe”. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2013.
- ^ Walsh, Shannon (ngày 17 tháng 4 năm 2015). “Victor Surge, Slender Man Creator: 5 Fast Facts You Need to Know”. Heavy.com. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2016.
- ^ a b c d e f g h Chess, Shira; Newsom, Eric (ngày 27 tháng 11 năm 2014). Folklore, Horror Stories, and the Slender Man: The Development of an Internet Mythology. Palgrave Macmillan US. tr. 58–59. ISBN 978-1-137-49113-8.
- ^ Lovitt, Bryn (ngày 3 tháng 8 năm 2016). “Slender Man: From Horror Meme to Inspiration for Murder”. Rolling Stone. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2016.
- ^ Robinson, Joanna (ngày 28 tháng 1 năm 2016). “American Horror Story and Slender Man: The 5 Most Spine-Tingling Inspirations for Next Season's Potential Monster”. Vanity Fair. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2016.
- ^ Có một số tranh cãi về việc liệu Slender Man có đủ tiêu chuẩn là một hiện tượng lan truyền hay không, vì theo một số định nghĩa thì hiện tượng lan truyền phải truyền bá một cách nhanh chóng, trong khi Slender Man ban đầu lại truyền bá rất chậm. Do đó, một số người vẫn ưu tiên sử dụng thuật ngữ "có thể truyền bá" (spreadable) hơn là "lan truyền" (viral). Xem Chess, Shira; Newsom, Eric (2015). Folklore, Horror Stories, and the Slender Man: The Development of an Internet Mythology. tr. 20.
- ^ Peters, Lucia (ngày 14 tháng 5 năm 2011). “Creepy Things That Seem Real But Aren't: The Marble Hornets Project”. Crushable. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2012.
- ^ a b McNary, Dave (ngày 25 tháng 2 năm 2013). “'Marble Hornets' flying to bigscreen”. Variety. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2013.
- ^ Marston, Gary (2012). “Slender review”. explosion.com. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2013.
- ^ Polansky, Lana (ngày 20 tháng 8 năm 2012). “Slenderman's Shadow "Sanatorium" Map Released”. Gameranx. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ Senior, Tom (ngày 26 tháng 7 năm 2012). “Slender Man Source mod will let you scare the hell out of yourself for free, with friends”. PC Gamer. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ Matulef, Jeffrey (ngày 11 tháng 2 năm 2013). “Pre-orders for Slender: The Arrival are half-off, come with instant beta access”. Eurogamer. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2013.
- ^ Standal, Jeanne (ngày 22 tháng 12 năm 2012). “First Trailer & Poster For The Jadallah Brothers' Horror Movie ENTITY!”. FilmoFilia. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2013.
- ^ Gallagher, Danny (ngày 12 tháng 10 năm 2012). “Slender Man Movie Producer Steven Belcher Wants to Create True Terror with the Faceless Figure”. GameTrailers. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2013.
- ^ a b c d e Dewey, Caitlin (ngày 3 tháng 6 năm 2014). “Who is Slender Man?”. The Boston Globe. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2014.
- ^ a b c “Digital Human: Tales”. BBC. 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2013.
- ^ Tillotson, Kristin (ngày 27 tháng 4 năm 2011). “Tall, skinny, scary—and all in your head”. startribune.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2013.
- ^ Stampler, Laura (ngày 3 tháng 6 năm 2014). “The Origins of Slender Man, the Meme That Allegedly Drove 12-Year-Olds to Kill”. Time. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2014.
- ^ a b Peck, Andrew (2015). “Tall, Dark, and Loathsome: The Emergence of a Legend Cycle in the Digital Age”. Journal of American Folklore. 128 (509): 333–348. doi:10.5406/jamerfolk.128.509.0333. S2CID 143218081.
- ^ Tolbert, Jeffrey A. (2013). “The Sort of Story That has You Covering Your Mirrors:The Case of Slender Man” (PDF). Semiotic Review (2). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2015.
- ^ Ellis, Bill (2001). Aliens, Ghosts, and Cults: Legends We Live. Jackson: University Press of Mississippi.
- ^ a b Vogt, PJ; Goldman, Alex (ngày 30 tháng 1 năm 2014). “#13 - Managing a Monster - On The Media”. TLDR. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2014.
- ^ Van Horn, Tye (ngày 15 tháng 2 năm 2013). “Behind You: The Cultural Relevance of Slender Man”. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2013.
- ^ “If These Girls Knew That Slender Man Was a Fantasy, Why Did They Want to Kill Their Friend for Him?”. ngày 25 tháng 8 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2016.
- ^ Dunlap, Bridgette (ngày 29 tháng 7 năm 2016). “Slender Man Trial”. RollingStone.com. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 6 năm 2018.
- ^ Terry, Jermont; Kust, James (ngày 31 tháng 5 năm 2014). “Girls charged in Waukesha stabbing motivated by 'Slenderman' character”. WTMJ. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2014.
- ^ Vielmetti, Bruce; Luthern, Ashley (ngày 1 tháng 8 năm 2014). “Judge rules 12-year-old incompetent, for now, in Slender Man trial”. Journal Sentinel. Milwaukee, Wisconsin. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
- ^ Varandani, Suman (2014). “Slender Man Stabbing Case: Wisconsin Girls Accused Of Attempted Homicide Are Mentally Fit To Stand Trial”. International Business Times. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2015.
- ^ “Slender Man case: Young suspects to be tried as adults”. BBC News. ngày 10 tháng 8 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2015.
- ^ “Separate trials ordered in Slender Man case”. Milwaukee Journal Sentinel. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2016.
- ^ “Slender Man stabbing suspect pleads guilty to lesser charge”. cbsnews.com. CBS. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2017.
- ^ “Slender Man stabbing: Anissa Weier found mentally ill”. BBC News. ngày 15 tháng 9 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2018.
- ^ “Jury in Slender Man case finds Anissa Weier was mentally ill, will not go to prison”. WISN-TV 12 ABC News. Milwaukee. ngày 16 tháng 9 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2017.
- ^ “Slender Man case: girl who stabbed classmate gets 25-year hospital sentence”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2017.
- ^ Wagstaff, Keith (ngày 4 tháng 6 năm 2014). “'Slender Man' Creator Speaks on Stabbing: 'I Am Deeply Saddened'”. nbc.com. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Slender Man suspect will plead guilty in stabbing”. nbcnews.com. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2017.
- ^ @ap (ngày 1 tháng 2 năm 2018). “BREAKING: Judge sentences Wisconsin girl to maximum 40 years in mental hospital in Slender Man stabbing case” (Tweet) – qua Twitter.
- ^ a b c d e f g h i j k l Velocci, Carli (ngày 30 tháng 8 năm 2018). “The failed Slender Man movie was a nail in the coffin of a dying fandom: The rise and fall of Slender Nation, the community that lived for the internet's most notorious Creepypasta”. The Verge. Vox Media. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2019.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n o Greene, Jayson (ngày 7 tháng 8 năm 2018). “Slender Man Is Still Making People Uneasy — But Now for New Reasons”. Vulture. New York. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2019.
- ^ Evans, Brad (ngày 6 tháng 6 năm 2014). “Hamilton Co. mom: Daughter's knife attack influenced by Slender Man”. WLWT.com. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2014.
- ^ Melrose, Kevin (ngày 8 tháng 9 năm 2014). “Teen Claims 'Soul Eater,' Slender Man Led Her to Set Home on Fire”. Comic Book Resources. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2015.
- ^ Murray, Rheana (ngày 5 tháng 9 năm 2014). “Teen Inspired by 'Slender Man' Set House on Fire: Police”. ABC News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2014.
- ^ DePaol, Tommy. “Slenderman is Coming to HBO in a True-Crime Documentary”. MoviePilot.com. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2016.
- ^ Clow, Mitchel (ngày 8 tháng 4 năm 2015). “'Always Watching: A Marble Hornets Story' Movie Review: Tell, Don't Show”. Hypable. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2015.
- ^ a b Rogers, Katie (2016). “'Slender Man,' a Horror Meme, Gets Ready to Step Out of the Shadows”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2016.
- ^ “Slender Man (2018)”. Rotten Tomatoes. Fandango Media. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2018.
- ^ “Slender Man Reviews”. Metacritic. CBS Interactive. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2018.
- ^ Brad Miska (ngày 3 tháng 9 năm 2018). “Let's Talk About 'Slender Man's Performance and 'The Meg's Stupid Budget”. Bloody Disgusting. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2020.
- ^ Ehrlich, David (ngày 9 tháng 8 năm 2018). “'Slender Man'Review: A Tasteless and Inedibly Undercooked Serving of Creepypasta”. IndieWire. Penske Business Media. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2018.
- ^ “Notch reveals new mob, dubs them Endermen in reference to Slender Man”. igx.com. 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2013.
- ^ Lost Girl: SubterrFaenean Lưu trữ 2018-09-17 tại Wayback Machine Syfy. 2014. Truy cập 2015-18-02.
- ^ McFarland, Kevin (ngày 21 tháng 1 năm 2013). “Lost Girl: "SubterrFaenean"”. The A.V. Club. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2018.
- ^ Scotellaro, Shaun (ngày 23 tháng 5 năm 2014). “Top 20 Pop Culture and Movie References from Season 4”. Equestria Daily. Equestria Daily. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2016.Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)
- ^ Supernatural: "Thinman" Lưu trữ 2017-01-29 tại Wayback Machine The A.V. Club. 2014. Truy cập 2016-28-01.
- ^ Gerson Uffalussy, Jennifer (2014). “Law & Order: SVU bends the conventions of the cop show”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2016.
- ^ “Kingdom Death: Monster - Slenderman Expansion”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2018.
- ^ “AQ Wiki Thin Guy”. AQ Wiki. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2018.
- ^ Rought, Karen (ngày 8 tháng 10 năm 2018). Brandi Delhagen (biên tập). “'Big Mouth' delivers best episode with season 2's 'Planned Parenthood Show'”. Hypable. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2019.
- ^ Harmon, Dan (ngày 17 tháng 3 năm 2015). “Ladders”. Community. Mùa 6. Tập 1 (bằng tiếng Anh). Sự kiện xảy ra vào lúc 13:12. Yahoo! Screen. 06x01 - Ladders.
You guys ever hear of The Slender Man?
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Curlew, Kyle (2017). “The legend of the Slender Man: The boogieman of surveillance culture”. First Monday. 22 (6). doi:10.5210/fm.v22i6.6901.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Nguồn gốc của Slender Man, somethingawful.com
- Thư viện hình ảnh của Eric Knudsen chứa đựng tất cả hình ảnh về Slender Man, deviantart.com