iBet uBet web content aggregator. Adding the entire web to your favor.
iBet uBet web content aggregator. Adding the entire web to your favor.



Link to original content: http://vi.wikipedia.org/wiki/Neferkara_I
Neferkara I – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Neferkara I

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Neferkara I (còn gọi là Neferka và đôi khi là Aaka) là tên đồ hình của một vị pharaon thuộc vương triều thứ 2 của Ai Cập cổ đại. Độ dài triều đại của ông chưa được biết rõ bởi vì trên bản danh sách vua Turin không còn lưu giữ được đầy đủ thông tin về thời gian cai trị của các vị vua[1] và nhà sử học người Hy Lạp Manetho ghi lại rằng triều đại của Neferkara kéo dài khoảng 25 năm [2]. Các nhà Ai Cập học cho rằng những ghi chép của ông ta vốn đã bị hiểu sai hoặc phóng đại quá mức.

Nguồn gốc tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi "Neferkara I" (có nghĩa là "Linh hồn tốt đẹp của Ra") dường như chỉ xuất hiện trong bản danh sách vua Abydos. Bản danh sách vua Turin lại ghi một tên gọi khác của nhà vua và hiện đang nằm trong sự tranh cãi về cách đọc chính xác của nó. Một số nhà Ai Cập học như Alan H. Gardiner đọc nó là "Aaka",[1] trong khi các nhà Ai Cập học khác, như Jürgen von Beckerath, đọc là "Neferka". Cả hai bản danh sách vua trên đều ghi lại rằng Neferkara I là người đã trực tiếp kế vị vua Senedj và còn là tiên vương của vua Neferkasokar [3][4][5]

Đồng nhất

[sửa | sửa mã nguồn]

Không có căn cứ đương thời nào về tên gọi của nhà vua và cũng không có tên Horus nào có thể kết nối được với Neferkare I mà còn tồn tại cho đến ngày nay.[3][4] Một số nhà Ai Cập học như Kim Ryholt tin rằng Neferkara / Neferka cũng chính là một vị vua ít được chứng thực khác, Sneferka. Ryholt còn nghĩ rằng các ký lục thời Ramsses đã nhầm lẫn khi thêm biểu tượng của mặt trời vào tên "(S)neferka", bỏ qua thực tế đó là chính bản thân mặt trời vẫn chưa được coi là một thực thể thần thánh dưới vương triều thứ hai. Để so sánh, ông ta lưu ý đến các tên gọi trong đồ hình như là của Neferkara II từ bản danh sách Abydos và Nebkara I từ tấm bảng Sakkara.[6]

Nhà sử học người Hy Lạp Manetho đã gọi Neferkara I với tên "Népherchêres" và ghi lại rằng dưới triều đại của vị vua này "sông Nile tỏa ra hương vị mật ong trong mười một ngày". Các nhà Ai Cập học cho rằng cách nói này mang ngụ ý đó là vương quốc đã phát triển rực rỡ dưới triều đại của vua Nephercheres[5][7].

Triều đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Các nhà Ai Cập học như Wolfgang Helck, Nicolas Grimal, Hermann Alexander Schlögl và Francesco Tiradritti tin rằng vua Nynetjer, vị vua thứ ba của triều đại thứ hai đã cai trị một vương quốc Ai Cập với một bộ máy chính quyền quá phức tạp. Nynetjer quyết định phân chia Ai Cập thành hai vương quốc riêng biệt, với hy vọng rằng bộ máy chính quyền của vương quốc có thể sẽ được cải thiện[8][9]. Tuy nhiên, Barbara Bell và một số học giả khác lại cho rằng một thảm họa về kinh tế như là một nạn đói hoặc hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến Ai Cập vào giai đoạn này. Và vì thế để giải quyết vấn đề nạn đói, Nynetjer đã chia vương quốc thành hai vương quốc riêng biệt và hai vị vua kế vị ông sẽ cai trị hai quốc gia độc lập cho đến khi nạn đói kết thúc. Giả thuyết của Bell căn cứ vào những dòng chữ khắc trên tấm bia đá Palermo, mà theo quan điểm của bà, mực nước lũ sông Nile dưới thời ông trị vị luôn ở mức thấp[10]. Giả thuyết của Bell bị phản bác bởi các nhà Ai Cập học như Stephan Seidlmayer, ông ta chỉ ra rằng mực nước sông Nile luôn ở mức bình thường từ triều đại của Nynetjer cho tới tận thời kỳ Cổ Vương quốc. Bell đã bỏ qua những ghi chép về mực nước lũ đạt đỉnh trên tấm bia đá Palermo mà chỉ căn cứ vào số liệu được đo ở các Nilometer ở khu vực xung quanh Memphis, mà không phải ở các khu vực khác dọc theo con sông. Do đó giả thuyết về một đợt hạn hán kéo dài gần như không thể sảy ra.[11]

Ngoài ra còn có một giả thuyết khác được chấp nhận rộng rãi đó là Neferkara I đã cùng cai trị với một vị vua khác. Nhưng vẫn chưa rõ vị vua này là ai. Các bản danh sách vua như bản danh sách vua Sakkara và bản danh sách vua Turin đều ghi lại rằng hai vị vua NeferkasokarHudjefa I là những người đã kế vị ông. Trong khi bản danh sách vua Abydos lại bỏ qua tất cả ba vị vua này và ghi lại tên một vị khác là Djadjay (được đồng nhất với vua Khasekhemwy). Nếu như Ai Cập đã bị chia cắt khi Neferkara I lên ngôi, thì có lẽ các vị vua như SekhemibPeribsen đã cai trị Thượng Ai Cập, trong khi Neferkara I và những vị vua kế tục ông sẽ cai trị Hạ Ai Cập. Sự chia cắt này chỉ kết thúc dưới triều đại của vua Khasekhemwy.[12]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Alan H. Gardiner: The royal canon of Turin. Griffith Institute of Oxford, Oxford (UK) 1997, ISBN 0-900416-48-3; p. 15 & Table I.
  2. ^ William Gillian Waddell: Manetho (The Loeb classical Library, Volume 350). Harvard University Press, Cambridge (Mass.) 2004 (Reprint), ISBN 0-674-99385-3, pp. 37–41.
  3. ^ a b Iorwerth Eiddon Stephen Edwards: The Cambridge ancient history Vol. 1, Pt. 2: Early history of the Middle East, 3rd volume (Reprint). Cambridge University Press, Cambridge 2006, ISBN 0-521-07791-5, p. 35.
  4. ^ a b Jürgen von Beckerath: Handbuch der ägyptischen Königsnamen. Deutscher Kunstverlag, München/Berlin 1984, p. 49.
  5. ^ a b Winfried Barta: Die Chronologie der 1. bis 5. Dynastie nach den Angaben des rekonstruierten Annalensteins. In: Zeitschrift für Ägyptische Sprache und Altertumskunde. (ZAS) volume 108, Akademie-Verlag, Berlin 1981, ISSN 0044-216X, pp. 12–14.
  6. ^ Kim Ryholt, in: Journal of Egyptian History; vol.1. BRILL, Leiden 2008, ISSN 1874-1657, pp. 159–173.
  7. ^ Walter Bryan Emery: Ägypten, Geschichte und Kultur der Frühzeit, 3200-2800 v. Chr. p. 19.
  8. ^ Nicolas Grimal: A History of Ancient Egypt. Wiley-Blackwell, Weinheim 1994, ISBN 978-0-631-19396-8, p. 55.
  9. ^ Francesco Tiradritti & Anna Maria Donadoni Roveri: Kemet: Alle Sorgenti Del Tempo. Electa, Milano 1998, ISBN 88-435-6042-5, p. 80–85.
  10. ^ Barbara Bell: Oldest Records of the Nile Floods, In: Geographical Journal, No. 136. 1970, p. 569–573; M. Goedike: Journal of Egypt Archaeology, No. 42. 1998, page 50.
  11. ^ Stephan Seidlmayer: Historische und moderne Nilstände: Historische und moderne Nilstände: Untersuchungen zu den Pegelablesungen des Nils von der Frühzeit bis in die Gegenwart. Achet, Berlin 2001, ISBN 3-9803730-8-8, pp. 87–89.
  12. ^ Hermann Alexander Schlögl: Das Alte Ägypten: Geschichte und Kultur von der Frühzeit bis zu Kleopatra. Beck, Hamburg 2006, ISBN 3-406-54988-8, pp. 77–78 & 415.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Tiền nhiệm
Sekhemib
Pharaoh của Ai Cập Kế nhiệm
Neferkasokar