iBet uBet web content aggregator. Adding the entire web to your favor.
iBet uBet web content aggregator. Adding the entire web to your favor.



Link to original content: http://vi.wikipedia.org/wiki/Đền_Lăng
Đền Lăng – Wikipedia tiếng Việt Bước tới nội dung

Đền Lăng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đền Lăng
Tên khácĐền Ninh Thái
Thờ phụng
Vua Đinh, Vua Tiền Lê
(Danh sách chi tiết)
Thông tin đền
Địa chỉViệt Nam xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà NamViệt Nam

Đền Lăng (hay đền Ninh Thái) là khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Quần thể di tích đền Lăng được phục dựng gồm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Tam Thiên Nhân, các lăng mộ và di tích khác. Đền Hạ được gọi là đền Lăng vì ngoài việc thờ chung tất cả các vị ở các đền kia, nơi đây còn có lăng mộ dòng họ Lê Hoàn trên quê gốc của nhà Tiền Lê.[1] Đền Lăng là di tích quan trọng, được đầu tư trở thành điểm du lịch của tỉnh Hà Nam.[2]

Đền Lăng nằm gần đường Đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 66 km, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 32 km. Từ thành phố Phủ Lý xuôi theo quốc lộ 21 khoảng 9 km, đến phố chợ Động, thôn Cõi sẽ tới Đền Lăng.

Đối tượng suy tôn

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo ngọc phả, truyền thuyết địa phương cùng nội dung khắc trên bài vị thờ tại chính tẩm thì vị vua thứ nhất được thờ ở đây là vua Đinh Tiên Hoàng có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Liêm Cần là nơi mà vua Đinh đã lập căn cứ tuyển quân, vừa là nơi huấn luyện quân sĩ. Theo nhân dân địa phương, vị trí đền Lăng chính là nơi đóng quân khi xưa của vua Đinh.

Quần thể di tích đền Lăng được phục dựng có ba ngôi đền:

Đền Lăng là di tích quan trọng nhất thờ Lê Đại Hành và hai con của ông là Lê Trung TôngLê Ngọa Triều trên quê hương nhà Tiền Lê. Tương truyền, Lê Hoàn quê gốc ở Tràng An nhưng đời ông nội của ông là Lê Lộc đã dời đến Liêm Cần, ở đây có dấu tích một khu đất bằng phẳng mà nhân dân địa phương cho rằng đó là dấu nhà cũ của Lê Lộc. Nơi đây còn có núi Côi, tương truyền có Mả Dấu là nơi ông nội Lê Hoàn được hổ đưa vào an táng khi hổ nhận ra mình giết nhầm cha nuôi. Núi Côi tương truyền còn có đàn thề mà Lê Hoàn lập ra tế trời đất thề cùng nghĩa quân phù Đinh đồng thâm trừ mối loạn, thu giang sơn về một mối. Trên đất Bảo Thái, Liêm Cần còn có mộ tổ họ Lê, nơi tương truyền từng có sinh từ xưa kia của Lê Hoàn.

Truyền thuyết và các địa danh khu vực đền Lăng còn phản ánh sự quan tâm của Lê Hoàn và triều đình Tiền Lê đối với dân xã Bảo Thái (Liêm Cần nay). Ngoài việc cho lập sinh từ vua Lê Đại Hành trên nền nhà cũ xưa kia Lê Hoàn dạy học, triều đình còn cấp cho dân vàng bạc để tậu ruộng lấy hoa lợi làm hương hoả và dựng đền thờ. Triều đình cũng trả ơn cho dân sở tại bằng việc cấp cho mỗi đinh 1 mẫu 2 sào ruộng để cày cấy (tới 700 mẫu). Ruộng hương hoả của khu đền Lăng có 12 mẫu, ngoài ra có 6 sào dành cho việc sắm ba cây đình liêu vào dịp hội đám long trọng và đất gọi là vườn tịch để chi phí cho tế lễ.

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Đền Lăng còn lại tòa tiền đường, cung đệ nhị và cung chính tẩm được trùng tu vào đời nhà Nguyễn. Tòa tiền đường làm theo kiểu mái con chồng diêm và được dành nhiều mảng chạm khắc công phu nhất. Hệ thống cột cái, hệ thống câu đối tạo vẻ chắc khỏe và mềm mại cho tòa tiền đường. Ở hai vì gian giữa có lớp lớp các mảng phù điêu chạm rồng, ly, quy. Một số mảng mê còn chạm rồng chầu, chim phượng và hoa cúc rất tinh tế. Để gánh 4 trụ non, thợ chạm tạo bốn con nghê ghé vai đội trụ một cách sinh động, không rập khuôn, gò bó. Điều đặc biệt là các đề tài dân gian được khắc hoạ một cách khéo léo. Trên vì phía đông, người thợ khéo thể hiện một con thú bên hồ sen trong tư thế dấu mình, lẩn trốn trong lá sen cách điệu. Còn vì bên kia là cảnh con hổ đang ôm một cái dó lớn, bên cạnh đó là một con hổ khác đang đeo chiếc giỏ ở cổ.

Phía trong tòa tiền đường là đệ nhị cung và chính tẩm. Hai cung này chung một tòa bốn gian rộng, thiết kế theo phong cách thượng gường hạ kẻ. Hệ thống cột chính gồm 10 chiếc làm bằng gỗ lim theo kiểu búp đòng, đầu cột thon ngậm xà, chân cột thu nhỏ để hợp với hệ thống chân tảng. Cửa cung cấm được thiết kế ngạch ngưỡng theo lối cổ, vừa cắt mòn vừa soi chỉ. Tòa tiền đường, cung đệ nhị và cung chính tẩm đều được lợp bằng ngói nam cùng với hệ thống giao góc, dấu trụ, bờ dải, bờ nóc còn giữ được vẻ cổ kính của một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật.

Tất cả các cột của ba tòa đều được đặt trên chân tảng kích thước 50x50cm. Công trình đục chạm công phu, tạo chương với cảnh lưỡng long chầu nguyệt tinh vi nghệ thuật, tạo riềm trên, riềm dưới, riềm hai bên với những băng lá sòi, những mảng long vân, phượng vũ có sức truyền cảm cao. Trung tâm cửa võng nổi bốn chữ "Thánh cung vạn tuế" trong khung tròn rất đẹp. Cửa võng được sơn son thiếp vàng màu sắc óng ánh, ấm áp giúp cho công trình thêm hấp dẫn.

Bốn chiếc long đình có từ thế kỷ XIX trong có bài vị long ngai thờ vua Đinh Tiên Hoàng, 3 cha con vua Lê Đại Hành. Trong các long đình có bài vị, long ngai thờ vua Đinh, Lê Đại Hành và Trung Tôn, Ngọa triều đều vào cỡ lớn tới 170 cm và được tạo đáng theo tỷ lệ cân xứng, đặc biệt là chạm nổi, chạm thông phong nhiều đề tài hoa, lá, long, ly, quy, phượng rất tinh tế. Những hiện vật thế kỷ XIX này còn phảng phất đường nét Hậu Lê, song dáng cao, các xà đố thanh thoát mang phong cách thời Nguyễn. Đây cũng là hiện vật đặc trưng giai đoạn chuyển hóa giữa hai nền văn hóa Hậu Lê-Nguyễn.

Ngoài ra ở đây còn đôi hạc thờ thời Hậu Lê, đối tượng người nô lệ, chiếc sập thờ và hòm sắc đời Nguyễn… Đôi hạc thờ đền Lăng cao 250 cm cũng được tạo dáng sinh động, tư thế đứng chầu nghiêm túc, đôi cánh cụp sát thân, chiếc cổ cất cao chầu mà không cứng nhắc, chứng tỏ nghệ nhân đã kết hợp nhuần nhuyễn thực tế với cách điệu. Đáng lưu tâm hơn là lớp lớp lông cánh như lá hòa lại, như cài vào nhau rất tự nhiên. Trang trí trên đầu bờm gáy và cả bàn chân bám trên lưng rùa cũng được thể hiện một cách linh hoạt.

Chiếc sập thờ ở chính tẩm là hiện vật của thời Nguyễn nhưng cũng là loại đồ thờ quý hiếm. Sập có quy cách 220x180x85cm làm theo kiểu chân quỳ, khoẻ mà không nặng nề, ít cầu kỳ nhưng rất đẹp. Bao loan ở bốn góc mặt sập tạo ô hoạ tiết đơn giản nhưng rất đẹp. Cổ sập chạm nổi, chạm thông gió long hóa, tứ linh, chân sập tạo kiểu chân quỳ dạ cá với mây tản, lá lật cách điệu như bay, như cuốn, gây xúc cảm nhẹ nhàng cho người thưởng thức.

Ngoài ra, đền Lăng còn giữ được đôi quán tẩy thời Hậu Lê, đôi tượng người nô lệ và một số đồ thờ thời Nguyễn được chạm khắc tinh thế, sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Kiến trúc cũng như đồ thờ tự nơi đây tạo nên vẻ đẹp của Đền Lăng, một di tích lịch sử văn hoá của Thanh Liêm, Hà Nam. Những sản phẩm văn hoá thời Hậu Lê rất quý hiếm cùng với các đồ thờ tự thời Nguyễn của đền Lăng rất cần được giữ gìn cẩn thận.

Bảo tồn và phát huy

[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống di tích, dấu tích của vua Lê Đại Hành ở Liêm Cần, Thanh Liêm rất đa dạng, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, cảnh quan. Đây chính là cụm di tích được Hà Nam quan tâm nghiên cứu bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tâm linh và phát triển du lịch.[4]

Theo dấu tích ngọc phả "Tiền Lê tam vị hoàng đế" giới thiệu nơi phát tích nhà Tiền Lê gắn với 12 dấu tích hiện còn lưu giữ tại Liêm Cần, đó là khu lăng mộ cụ tổ Lê Lộc, dân gian thường gọi là Mả Dấu; quần thể đền Hạ, Trung, Thượng tại núi Lăng thờ vua Đinh Tiên Hoàng, 3 vị vua nhà Tiền Lê, là sinh từ của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành; chùa Vực nơi sinh thành Phó Thập đạo tướng quân Nguyễn Minh, nơi Lê Hoàn bàn việc quân và cũng là nơi xuất phát của nghĩa quân Bảo Thái đi phò tá vua Đinh Tiên Hoàng. Trại Nhuế là trại quân của Lê Hoàn; Dàn Thề dưới chân núi Cõi là nơi Lê Hoàn lập ra để quân lính tế trời đất; Mã Kễnh nơi chôn cất 3 mãnh hổ cứu Lê Hoàn thoát nạn phản nghịch; Mả Rút nơi chôn cất các quân sĩ hy sinh; xứ Mai Rùa nơi Lê Hoàn đứng xem thủy quân tập luyện; đền thờ Tam Thiên Nhân, nơi thờ 3 người đã thế thân bảo vệ Lê Hoàn và một dấu tích ngoài địa phận xã Liêm Cần là trại quân Lê Hoàn tại Cẩm Du, xã Thanh Lưu.

Các dự án bảo tồn, tôn tạo đền Lăng; phục dựng đền Trung, đền Thượng; bảo tồn, tôn tạo và phục dựng Mả Dấu nằm trong giai đoạn 1 của quy hoạch, từ năm 2018 - 2020. Giai đoạn 2, từ năm 2020 - 2025 sẽ xây dựng, phục dựng, tôn tạo các công trình còn lại. Trên cơ sở định hướng các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch chính được xác định là sản phẩm tâm linh gắn với không gian đền Lăng, đền Trung, đền Thượng, đền Tam Thiên Nhân, đền Mã, đền Mẫu, chùa Bông, đền Bạch Đằng; sản phẩm du lịch tham quan, vui chơi giải trí gắn với không gian nhà trưng bày, trường văn, trường võ, khách sạn, dịch vụ ẩm thực, vườn thiền, đầm lau; sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp làng quê gắn với không gian chợ quê, nhà ở kết hợp dịch vụ, nhà vườn…

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]